TRUNG TÂM SÁNG KIẾN CỘNG ĐỒNG VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH BÌNH DƯƠNG
BIIC BÌNH DƯƠNG
0274 3856429 - 3866969 (Lễ Tân) - 0274 3689090 (Fablab)
Hotline
0274 3856429 - 3866969 (Lễ Tân) - 0274 3689090 (Fablab)
Email
biic@binhduong.gov.vn

Thu hút đầu tư với tầm nhìn mới - Định vị thương hiệu Bình Dương trên trường quốc tế

Thu hút đầu tư với tầm nhìn mới - Định vị thương hiệu Bình Dương trên trường quốc tế

  Bình Dương giữ vững vị thế là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015- 2020 đạt 9,35%/ năm, bằng 1,4 lần bình quân chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 155,7 triệu đồng vào năm 2020. Thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch đề ra, là địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương cao thứ 3 cả nước. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2016 đến tháng 06/2021 tăng hơn 2,6 lần, từ trên 20.000 lên gần 53.000.

Để thu hút vốn FDI của tỉnh phát triển theo hướng chất lượng, có chiều sâu và bền vững, Tỉnh đã quan tâm xây dựng chính sách thông thoáng; tăng cường xúc tiến đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, logistics và phát triển, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao; tập trung thực hiện đúng lộ trình xây dựng thành phố thông minh với các định hướng phát triển chủ yếu như thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế; nghiên cứu hình thành khu công nghiệp - đô thị khoa học công nghệ, ...

Những năm qua, Bình Dương đã mạnh dạn đổi mới mô hình phát triển, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, hình thành động lực tăng trưởng mới cho sự phát triển bền vững qua việc thực hiện mô hình Ba Nhà (chính quyền - doanh nghiệp và các viện, trường) để huy động hiệu quả các nguồn lực tham gia đầu tư. Bằng chứng cho sự thành công trong áp dụng mô hình đổi mới đó là Vùng thông minh Bình Dương đã trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới ICF vào năm 2018, được vinh danh là 1 trong 21 khu vực có chiến lược phát triển Thành phố Thông minh tiêu biểu nhất Thế giới (ICF) trong 03 năm liên tiếp (2019, 2020, 2021) theo tiêu chí ICF và lần đầu tiên được lọt vào top 7 của tổ chức này, từ đó mở rộng hợp tác với mạng lưới các đô thị thông minh, thịnh vượng thuộc cộng đồng quốc tế này, cùng hòa mình với những xu thế phát triển mới của thế giới; cũng trong năm 2018 Bình Dương trở thành thành viên của Hiệp hội Đô thị Khoa học Công nghệ Thế giới (WTA),.. Các thành quả trên đã tạo ra danh tiếng quốc tế, niềm tin cho nhà đầu tư, góp phần gia tăng vượt bậc trong thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như các viện trường nghiên cứu trên thế giới.

Các chương trình xúc tiến đầu tư tại chỗ như: Từ ngày 10-12/10/2018, tỉnh đăng cai tổ chức sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập WTA 2018, với quy mô gần 1000 khách mời, với 20 thị trưởng, 21 hiệu trưỏng đến từ 50 quốc gia, 60 doanh nghiệp tham dự triển lãm, khoảng 120 đội Việt Nam và quốc tế tham gia thi sáng kiến TPTM. Đây có thể xem là bước nhảy vọt của hội nghị về thành phố thông minh Bình Dương lên tầm vóc thế giới, tiếp theo thành công vang dội của 2 hội nghị trước đó của tỉnh năm 2016 và 2017; Chương trình Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis) diễn ra vào ngày 25-27/11/2018 với sự tham dự của gần 500 chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn và một số lãnh đạo chính quyền đến từ 47 quốc gia trên thế giới.

Tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức và chính quyền tỉnh thành khắp thế giới như Horasis, thành phố Eindhoven, Emmen ở Hà Lan, tỉnh Emilia Romagna ở Ý, thành phố Daegu ở Hàn Quốc, Đài Trung tại Đài Loan-Trung Quốc, tỉnh Yamaguchi (Nhật Bản), tỉnh Đông Flanders (Bỉ), Oryol (Nga), ... Các công ty - tập đoàn lớn đa quốc gia như Philips, Bosch, NXP, Cisco, NTT, VNPT, Viettel, FPT...; Các đại học, viện nghiên cứu danh tiếng quốc tế như đại học Portland State của Mỹ, đại học Chunghua, viện ITR1 của Đài Loan, viện Fraunhofer của Đức, đại học kĩ thuật Eindhoven của Hà Lan...

Trong công tác truyền thông, Đề án thành phố thông minh (TPTM) đã triển khai mạnh mẽ, phổ biến thông tin cả trong nước và quốc tế, ký kết tuyên truyền quảng bá với các cơ quan truyền thông (Báo Tuổi trẻ, Báo Bình Dương...), thúc đẩy nhiều bài báo và phóng sự cả trên kênh địa phương và quốc gia (BTV, HTV, FBNC, VTV1, VTV2,VTV47..., xây dựng thương hiệu bài bản về TPTM và mô hình Ba Nhà của tỉnh, trong đó có việc tổ chức thường niên các sự kiện lớn về TPTM. Các lãnh đạo, chuyên gia của đề án, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh, đã tích cực tham gia chia sẻ với hơn 40 buổi hội nghị, diễn đàn quốc tế, hội thảo khoa học uy tín tầm quốc gia hay thế giới, như “Diễn đàn đô thị thế giới” của Liên Hiệp Quốc, diễn đàn WTA, ICF, diễn đàn thị trưởng tại Singapore; diễn đàn Ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất và cơ hội hợp tác chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp Châu Âu, diễn đàn Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cơ hội và thách thức,…

Từ chiến lược đề án TPTM, Tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý,... nhằm hướng đến xây dựng một chính quyền trong sạch vì Nhân dân phục vụ - đây là một khía cạnh quan trọng trong môi trường đầu tư. Bằng chứng là các quy trình thủ tục hành chính được công khai, minh bạch, đơn giản trên các thiết bị được đầu tư hiện đại tại bộ phận một cửa của Trung tâm hành chính công tỉnh: các Ki ốt thông tin, màn hình ti vi lớn, ... ; cơ chế một cửa liên thông đăng ký doanh nghiệp và giải quyết thủ tục đầu tư rất tốt, là tỉnh đi đầu về hành chính một cửa – tạo điều kiện cho sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác thông tin giải quyết các vướng mắc để các dự án được triển khai nhanh đi vào sản xuất kinh doanh. Thêm vào đó, một yếu tố góp phần làm nên thương hiệu Bình Dương là tỉnh nhà đã xây dựng phong cách làm việc theo hướng phục vụ, thân thiện được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao. 

Về quy hoạch, Bình Dương hình thành các khu công nghiệp xanh, đan xen với các khu đô thị, thương mại và dịch vụ. Các dự án nhà ở xã hội, khu tái định cư cho những người dân trong diện giải tỏa đền bù, cùng các khu đô thị cao cấp dành cho các nhà đầu tư được gắn liền với các khu công nghiệp. Điều này giúp hình thành mạng lưới các khu dân cư mới, vừa có tác dụng phát triển, thương mại, dịch vụ xung quanh các khu công nghiệp, đồng thời đảm bảo chất lượng cuộc sống cho nhà đầu tư, đảm bảo lợi ích cho những người dân nằm trong diện quy hoạch, cũng như người lao động nhập cư. Đặc biệt, đối với dự án nhà ở xã hội Bình Dương đã xây dựng được 64.000 căn hộ phục vụ cho 164.000 người và 30.000 căn nhà ở công nhân phục vụ cho 90.000 người, nhằm tạo nơi ở ổn định, giúp người lao động an cư lạc nghiệp, góp phần vào quá trình phát triển đô thị và công nghiệp bền vững của tỉnh Bình Dương. Thời gian qua, nhiều tỉnh thành bạn đến trao đổi chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng mô hình này.

Định hướng đúng đắn, cả xã hội cùng tham gia cùng góp phần tạo nên một tỉnh Bình Dương năng động, tạo động lực để đổi mới sáng tạo, định vị thương hiệu Bình Dương trên trường quốc tế.  

Hoàng Ngọc

TIN TỨC LIÊN QUAN

ĐĂNG KÝ NHẬN HỖ TRỢ

Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Email
Nội dung

Bạn đã gửi thông tin đăng ký hỗ trợ thành công. Chúng tôi sẽ tiếp nhận thông tin và phản hồi lại ngay khi nhận được yêu cầu của bạn.

dfgfgdfgdf