Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với giáo dục đại học
Giới thiệu
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) là một khái niệm được sử dụng để mô tả sự chuyển đổi công nghệ hiện nay, đặc trưng bởi sự kết hợp giữa các hệ thống số hóa, vật lý và sinh học. Nó có tiềm năng tác động đáng kể đến giáo dục đại học bằng cách thay đổi cách người học học tập, các kỹ năng họ cần trang bị, và vai trò của các nhà giáo dục đối với giảng dạy đại học. Bài viết này đề cập đến các tác động của CMCN4.0 đối với giáo dục đại học. Ngoài ra, CMCN4.0 đã và đang biến đổi giáo dục đại học đòi hỏi phải thay đổi các chương trình giảng dạy để phù hợp với yêu cầu của bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng. Học tập, giảng dạy và đánh giá đổi mới là điều cần thiết để bắt kịp với CMCN4.0. Các cơ sở giáo dục phải áp dụng các công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), robot và Internet vạn vật (IoT) để nâng cao chất lượng giáo dục.
Hơn nữa, CMCN4.0 buộc các cơ sở giáo dục đại học phải áp dụng các phương pháp giảng dạy mới dựa trên các công nghệ mới nổi. CMCN4.0 còn yêu cầu các người dạy phải có các kỹ năng công nghệ đặc biệt để giảng dạy hiệu quả. Bài viết kết luận rằng các tác động của CMCN4.0 đối với giáo dục đại học không chỉ là lời nói, mà là một thực tế mà các cơ sở giáo dục phải chấp nhận để duy trì sự phù hợp trong môi trường công nghệ thay đổi nhanh chóng. Chương trình giảng dạy cần được cập nhật để tích hợp các công nghệ mới nổi, các phương pháp giảng dạy, học tập và đánh giá sáng tạo. Cuối cùng, các cơ sở giáo dục phải cung cấp cho giảng viên của mình các kỹ năng cần thiết để thích nghi với CMCN4.0.
Bối cảnh thay đổi của CMCN4.0 trong giáo dục đại học
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã mang đến những thay đổi mang tính chuyển đổi trong giáo dục đại học, định hình lại các phương pháp giảng dạy và học tập truyền thống, cấu trúc tổ chức và các kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Giáo dục đại học đang trải qua sự chuyển đổi sâu sắc để đáp ứng với CMCN4.0, cùng với sự tích hợp các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (Machine Learning), và phân tích dữ liệu lớn (Big Data). Những công nghệ này đang cách mạng hóa các phương pháp giảng dạy và học tập tại các cơ sở giáo dục đại học. Chúng mang lại những cơ hội mới cho việc cá nhân hóa trải nghiệm học tập, đánh giá thích ứng và các quy trình ra quyết định dựa trên dữ liệu. CMCN4.0 đang thúc đẩy nhu cầu về các chương trình liên ngành kết hợp kỹ năng kỹ thuật với tư duy phản biện, sáng tạo, và khả năng thích nghi.
Khi các ngành công nghiệp phát triển và những vai trò công việc mới xuất hiện, các cơ sở giáo dục đại học đang xem xét lại chương trình giảng dạy của mình để đảm bảo rằng người học sau khi tốt nghiệp có đủ kỹ năng cần thiết để thành công trong nền kinh tế số. Hơn nữa, CMCN4.0 đang thúc đẩy sự hợp tác giữa học thuật và công nghiệp, dẫn đến việc chuyển giao công nghệ, các mối quan hệ đối tác nghiên cứu, và các cơ hội học tập trải nghiệm dành cho người học. Để duy trì sự phù hợp và cạnh tranh, các cơ sở giáo dục đại học đang đón nhận sự thay đổi trong bối cảnh CMCN4.0 bằng cách tích hợp công nghệ, thúc đẩy tư duy đổi mới, và trang bị cho người học những kỹ năng cần thiết cho các công việc trong tương lai.
Sự ảnh hưởng của công nghệ đối với giáo dục đại học
Công nghệ, đặc biệt là CMCN4.0 đã mang lại những tác động sâu rộng đối với các cơ sở giáo dục đại học trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Dưới đây sẽ xem xét đến các tác động của của công nghệ trong đó có CMCN4.0 đối với giáo dục đại học trong các lĩnh vực như chuyển đổi chương trình giảng dạy, phương pháp sư phạm và cách tiếp cận giảng dạy.
Đối với chuyển đổi chương trình giảng dạy:
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ yêu cầu các chương trình giảng dạy trong giáo dục đại học phải thay đổi để người học có thể tiếp cận và nắm vững các công nghệ mới. Các môn học truyền thống được cập nhật hoặc thay thế bằng các khóa học liên quan đến AI, phân tích dữ liệu, blockchain, và các công nghệ số khác. Việc tích hợp các kiến thức về công nghệ vào chương trình giảng dạy giúp người học có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ thị trường lao động.
Công nghệ, đặc biệt là AI và các hệ thống quản lý học tập (LMS), cho phép tạo ra các trải nghiệm học tập cá nhân hóa. Người học có thể học theo tiến độ riêng, tập trung vào những môn học mà họ quan tâm hoặc cần cải thiện, giúp tối ưu hóa quá trình học tập. Các công nghệ này cung cấp phản hồi nhanh chóng và chính xác, giúp cải thiện kết quả học tập và đánh giá hiệu quả giảng dạy.
CMCN 4.0 thúc đẩy các phương pháp giảng dạy sáng tạo, chẳng hạn như học tập dựa trên dự án, học qua trải nghiệm, học qua thực hành, và sử dụng công nghệ để mô phỏng các tình huống thực tế. Việc ứng dụng các công cụ như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), và mô phỏng 3D trong giảng dạy giúp người học tiếp cận bài học một cách sinh động và hiệu quả hơn. CMCN 4.0 thúc đẩy sự kết hợp giữa các ngành học khác nhau trong giáo dục đại học, khuyến khích sự hợp tác giữa các khoa và trường đại học khác nhau. Việc sử dụng các nền tảng học trực tuyến và công cụ cộng tác toàn cầu cũng giúp người học và người học có thể học hỏi từ những nền tảng quốc tế, tiếp cận các xu hướng và kiến thức mới từ các chuyên gia hàng đầu trên thế giới.
Ngoài việc trang bị kiến thức chuyên môn, các chương trình giảng dạy cần tập trung vào việc phát triển các kỹ năng mềm và kỹ năng công nghệ cho người học, bao gồm tư duy phản biện, sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, và khả năng làm việc nhóm. Những kỹ năng này là yếu tố quan trọng để người học có thể thích ứng với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng trong kỷ nguyên công nghệ số. Các phương pháp đánh giá truyền thống như thi cử có thể không còn phù hợp với môi trường học tập hiện đại. Các công cụ đánh giá dựa trên dữ liệu, phản hồi liên tục và đánh giá qua thực hành, dự án hay nghiên cứu sẽ thay thế các phương pháp cũ. Điều này giúp đánh giá chính xác, thực tế hơn về khả năng và sự phát triển của người học.
Đối với phương pháp sư phạm và cách tiếp cận giảng dạy:
Một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ là phương pháp sư phạm và cách tiếp cận giảng dạy. Công nghệ hiện đại và các công cụ hỗ trợ giảng dạy mới đã thúc đẩy sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy truyền thống, tạo ra những hình thức giảng dạy và học tập linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả hơn.
Công nghệ số, đặc biệt là các nền LMS và công cụ giảng dạy từ xa, cho phép người học học tập linh hoạt và tiếp cận tài liệu học từ mọi nơi, mọi lúc. Các khóa học kết hợp (blended learning) kết hợp giữa học trực tuyến và học trực tiếp đang trở thành xu hướng phổ biến trong giáo dục đại học. Phương pháp này giúp người học có thể học theo tiến độ riêng của mình, đồng thời vẫn duy trì sự tương tác và hỗ trợ từ giảng viên.
CMCN 4.0 thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ VR và AR trong giảng dạy. Các công nghệ này giúp tạo ra những mô phỏng sinh động, cho phép người học trải nghiệm các tình huống học tập trong môi trường ảo hoặc tăng cường thông tin thực tế, mang lại những bài học trực quan và dễ hiểu hơn. Ví dụ, người học ngành y học có thể thực hành phẫu thuật ảo, hoặc người học kỹ thuật có thể tham gia vào các mô phỏng xây dựng công trình trong môi trường thực tế ảo. Các công cụ và nền tảng tương tác như diễn đàn trực tuyến, các ứng dụng thảo luận nhóm, và phần mềm chia sẻ tài liệu giúp người học giao tiếp và hợp tác hiệu quả hơn trong môi trường học tập. Những công nghệ này thúc đẩy phương pháp giảng dạy tương tác, nơi người dạy đóng vai trò là người hướng dẫn và khơi gợi thảo luận, thay vì chỉ là người truyền đạt kiến thức. Người học có thể trao đổi ý tưởng, chia sẻ kiến thức và học hỏi từ những người khác, tạo ra môi trường học tập năng động và sáng tạo.
Bên cạnh đó, CMCN 4.0 không chỉ thay đổi cách giảng dạy mà còn thay đổi cả phương pháp đánh giá. Công nghệ cho phép đánh giá người học thông qua các bài kiểm tra trực tuyến, bài tập dự án và thậm chí là các bài kiểm tra tự động hóa. Hệ thống đánh giá thông minh có thể đưa ra phản hồi, thống kê ngay lập tức và giúp người học nhận diện được các điểm yếu và cải thiện trong thời gian ngắn. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng đánh giá mà còn tạo điều kiện để người học cải thiện hiệu suất học tập của mình. Trong đó, nền tảng số đã và đang trở thành công cụ hữu ích trong giảng dạy và học tập. Người học có thể tiếp cận tài liệu học tập, video giảng dạy, và tham gia các khóa học trực tuyến qua nền tảng số, giúp học tập trở nên linh hoạt và dễ dàng hơn. Những công cụ này cũng hỗ trợ người dạy trong việc tạo ra các tài nguyên học tập phong phú và dễ tiếp cận.
Thách thức và cơ hội cho giáo dục đại học trong kỷ nguyên CMCN4.0
Sự ra đời của CMCN4.0 đã mang đến cả thách thức và cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học. Một trong những thách thức chính là tốc độ tiến bộ công nghệ nhanh chóng, đòi hỏi phải cập nhật liên tục chương trình giảng dạy và phương pháp giảng dạy để đảm bảo rằng người học tốt nghiệp có đủ kỹ năng phù hợp với thị trường lao động đang thay đổi. Bên cạnh đó, nhu cầu về kiến thức và kỹ năng liên ngành ngày càng tăng, vì thời đại CMCN4.0 yêu cầu những cá nhân có khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp và làm việc qua nhiều lĩnh vực khác nhau. Hơn nữa, chi phí giáo dục đại học ngày càng tăng cũng là một thách thức, khi sinh viên và gia đình họ ngày càng phải gánh chịu khoản nợ vay càng lớn.
Mặt khác, thời đại CMCN4.0 mang đến nhiều cơ hội cho giáo dục đại học, chẳng hạn như việc tích hợp các công nghệ mới nổi như AI và blockchain, có thể nâng cao trải nghiệm giảng dạy và học tập, tạo điều kiện cho việc giảng dạy cá nhân hóa và thúc đẩy học tập suốt đời. Các nền tảng học trực tuyến và Các khóa học mở trực tuyến đại trà (MOOCs) cung cấp cơ hội cho cá nhân tiếp cận giáo dục bất kể vị trí địa lý hay điều kiện tài chính của họ. Những nền tảng này cũng giúp các cơ sở giáo dục đại học tiếp cận được đông đảo người học và mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của mình. Mặc dù thời đại CMCN4.0 đặt ra những thách thức cho giáo dục đại học, nhưng nó cũng mang đến những cơ hội đáng kể cho các cơ sở giáo dục thích nghi, đổi mới và cung cấp giáo dục dễ tiếp cận và phù hợp với lực lượng lao động trong tương lai.
Kết luận và đề xuất
CMCN 4.0 đã mang lại những tác động sâu rộng đối với giáo dục đại học. Bối cảnh thay đổi của CMCN4.0 đòi hỏi phải có sự chuyển đổi trong chương trình giảng dạy, trong đó các cơ sở giáo dục phải điều chỉnh các khóa học để phù hợp với nhu cầu phát triển của lực lượng lao động. Các phương pháp sư phạm cần được điều chỉnh, kết hợp công cụ số, học tập trải nghiệm và hợp tác liên ngành để chuẩn bị cho người học đối mặt với những thử thách phức tạp trong tương lai. Quản trị tổ chức cần phải linh hoạt, thích ứng và có phương pháp tiếp cận chủ động để theo kịp các tiến bộ công nghệ. Bằng cách nắm bắt các cơ hội mà CMCN4.0 mang lại, các cơ sở giáo dục đại học có thể giúp sinh viên, giảng viên và nhà nghiên cứu phát triển trong kỷ nguyên số, đồng thời đóng góp vào sự tiến bộ xã hội và tăng trưởng kinh tế. Con đường phía trước đòi hỏi sự hợp tác liên tục, tầm nhìn xa và cam kết với sự xuất sắc trong giáo dục để khai thác tối đa tiềm năng của CMCN4.0 trong giáo dục đại học.
CMCN 4.0 đối với giáo dục đại học được đưa ra để giải quyết các thách thức và tận dụng các cơ hội mà thời đại chuyển đổi số này mang lại. Thứ nhất, các cơ sở giáo dục đại học cần ưu tiên chương trình giảng dạy liên ngành và linh hoạt, bao gồm một loạt các kỹ năng, như năng lực số, tư duy phản biện, sáng tạo và khả năng thích ứng. Điều này sẽ giúp người học có thể điều hướng trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng và phát triển một bộ kỹ năng linh hoạt. Thứ hai, các cơ sở giáo dục đại học nên hợp tác chặt chẽ với các ngành công nghiệp và doanh nghiệp để tạo sự liên kết gần gũi hơn giữa các chương trình học thuật và nhu cầu của thị trường lao động. Điều này có thể đạt được thông qua các chương trình thực tập, học việc, giúp sinh viên có được kinh nghiệm thực tế và nâng cao khả năng tuyển dụng.
Mặt khác, các cơ sở giáo dục cần chấp nhận các phương pháp giảng dạy sáng tạo, như học kết hợp và các nền tảng trực tuyến, để mở rộng quyền truy cập vào giáo dục và phục vụ nhu cầu đa dạng của các nhóm sinh viên. Hơn nữa, việc thúc đẩy học tập suốt đời là rất quan trọng để đảm bảo rằng cá nhân có thể liên tục nâng cao và thay đổi kỹ năng để đáp ứng các yêu cầu thay đổi của thị trường. Cuối cùng, các nhà làm chính sách và các bên liên quan trong giáo dục cần ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kiến thức trong các lĩnh vực mới nổi, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và phát triển xã hội và người học phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.
Nam Phương
Tài liệu tham khảo
[1] Mabe, K. and Bwalya, K.J., 2022. Critical soft skills for information and knowledge management practitioners in the fourth industrial revolution. South African Journal of Information Management, 24(1), pp.1-11.
[2] Grimus, M., 2020. Emerging technologies: Impacting learning, pedagogy and curriculum development. Emerging technologies and pedagogies in the curriculum, pp.127-151.
[3] Malik, R.S., 2018. Educational challenges in the 21st century and sustainable evelopment. Journal of Sustainable Development Education and Research, 2(1), pp.9- 20.
[4] https://www.daihoclongan.edu.vn/tin-tuc-su-kien/tin-tuc-chung/1588-thay-doi-phuong-pháp-day-va-hoc-truoc-tac-dong-cach-mang-cong-nghiep-4-0.html.