Đón đầu xu hướng giao thông điện tại Việt Nam – Tầm nhìn cho tương lai
Việt Nam cùng chung với các nước trên thế giới trước tình hình biến đổi khí hậu rất khắc nghiệt như hiện nay, tại Hội nghị COP26 một lần nữa khẳng định cam kết của Việt Nam giảm phát thải khí carbon đạt mức bằng “0” vào năm 2050. Hơn nữa, chiến sự giữa Nga và Ukraina đã đẩy giá xăng dầu lên rất cao, hơn nữa, cơn khủng hoảng bụi mịn đã tác động đến môi trường sống của người dân,... Đó chính là những cơ sở để chuyển dịch sang các phương tiện sử dụng nhiên liệu thay thế - đó chính là nhiên liệu điện mà bài viết đề cập dưới đây.
Hiện nay, tuyến đường giao thông công cộng (từ Tp. Thủ Đức đến bến xe buýt Sài Gòn (quận 1)) tại thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào vận hành tuyến xe buýt điện vào ngày 09/3/2022 và dự kiến sẽ vận hành thêm nhiều tuyến xe buýt điện hơn nữa; và vừa qua hãng xe điện VinFast và Tập đoàn điện lực hàng đầu của Pháp (EDF) đã ký bản ghi nhớ hợp tác lắp đặt trạm sạc điện của hãng này tại Pháp, đây được xem là hướng đi đúng đắn của hãng xe điện mang thương hiệu Việt vươn mình ra thế giới; bên cạnh đó, hội thảo “làm sao đón đầu xu hướng giao thông điện” vừa qua đã được tổ chức bởi Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và Informa Markets Vietnam hướng tới một tương lai không phát thải và mục tiêu hướng đến trung hòa khí hậu và xanh hóa nền kinh tế đã thu hút nhiều đại biểu tham dự và được các chuyên gia nhận định thị trường giao thông điện Việt Nam đang hứa hẹn rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
Chúng ta hãy tìm hiểu về lợi ích của việc sử dụng phương tiện giao thông điện:
Thân thiện với môi trường: vì xe đạp điện sử dụng điện được lưu trữ trong pin nên chúng hầu như không thải ra khí quyển. Ngược lại, hoạt động của xe máy tạo ra khí thải độc hại để môi trường và sức khỏe cộng đồng, chẳng hạn như VOCs, CO, NOx, PM, SO2, SO3, PbCl2. Hydrocacbon từ khí thải xe máy có thể gây đột biến gen, ung thư và các vấn đề sức khỏe sinh sản cho con người. Việc sử dụng tiềm năng xe đạp điện và xe máy điện, ô tô điện có thể được coi là một giải pháp thay thế sạch sẽ cho xe máy hoặc ô tô thông thường vì quy hoạch đô thị hiện đang hướng tới mục tiêu bền vững và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, xe đạp điện có ắc quy
axit-chì lại gây ô nhiễm môi trường ở một mức độ nhất định. Do đó, các nhà sản xuất và người tiêu dùng nên chuyển sang công nghệ lithium-ion để giảm tác động tiêu cực của pin axit-chì và giúp quốc gia tiết kiệm năng lượng hơn.
Giảm bớt tiếng ồn: So với các loại phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch thì phương tiện giao thông điện vận hành êm ái hơn, góp phần giảm bớt tiếng ồn đặc biệt là trong khu vực đô thị - căng thẳng bởi tiếng ồn của động cơ xe máy ở các thành phố lớn ở Việt Nam là phổ biến.
Độ an toàn cao cho người sử dụng: rất ít tai nạn do xe điện gây ra cũng như giảm nguy cơ cháy nổ so với các loại xe sử dụng xăng dầu hiện nay.
Thị trường đầy hứa hẹn: Một công nghệ xanh mang đến nhiều lợi ích cho người dân và môi trường, là xu hướng của trên toàn thế giơi thì chắc chắn sẽ là một thị trường nhiều tiềm năng.
Với những lợi ích mà phương tiện giao thông điện mang lại cho thấy sự phát triển xe điện là sự chọn lựa của nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước có các thành phố đông đúc nơi mà cư dân không còn chịu nổi khói bụi thải ra từ những phương tiện chạy bằng xăng dầu, nơi mà các đô thị đang vươn mình lên để trở thành những thành phố thông minh. Tại Việt Nam hiện nay, để thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng xe điện, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính tực hiện nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng ưu đãi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng trong thời hạn nhất định (05 năm) để khuyến khích phát triển xe điện; phải nghiên cứu hạ tầng giao thông, khảo sát ý kiến người dân để đưa ra các lộ trình phù hợp với công nghệ xe xanh.
Hồng Thắm