Chiều 12/3, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 sau một năm xây dựng. Bộ chỉ số cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế, xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.
Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (viết tắt là PII - 'Provincial Innovation Index') gồm 52 yếu tố thành phần. Bộ chỉ số hướng đến cung cấp bộ công cụ có cơ sở khoa học và thực tiễn cho lãnh đạo các cấp để ra quyết định, xây dựng và thực thi chính sách, cũng như cung cấp thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư, điều kiện nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở địa phương.
II được xây dựng bám sát cấu trúc của bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (Global Innovation Index) do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hàng năm và được Chính phủ sử dụng trong quản lý, điều hành từ năm 2017. Các số liệu được thu thập từ các báo cáo thống kê, báo cáo quản lý chính thức của các cơ quan trung ương và địa phương; số liệu từ các bộ chỉ số khác (Cải cách hành chính; Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Chuyển đổi số; Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh).Bảng xếp hạng hiện hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của 63 tỉnh, thành phố trong năm 2023.
Theo kết quả phân tích, đánh giá (sau khi đã được chuyên gia quốc tế độc lập đánh giá), Bình Dương (48.64 điểm) xếp hạng 8 trong 63 tỉnh thành. Hà Nội là địa phương có điểm số cao nhất, đạt 62.86 điểm, Cao Bằng là địa phương có điểm số thấp nhất, đạt 22.18 điểm. Trong 10 địa phương dẫn đầu, có 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, và 5 địa phương có công nghiệp phát triển là Bắc Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Quảng Ninh, và Thái Nguyên.
Bình Dương đứng thứ ba về số lượng các chỉ số dẫn đầu, với 7 chỉ số trên 52 chỉ số thành phần, trong đó có các chỉ số như tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, số lượng doanh nghiệp mới thành lập, tỉ lệ người trên 15 tuổi có việc làm, thu nhập bình quân đầu người.
Bình Dương được đánh giá cao ở các trụ cột:
- Trụ cột Cơ sở hạ tầng có ba địa phương dẫn đầu là Quảng Ninh, Đà Nẵng và Bình Dương.
- Trụ cột Trình độ phát triển của doanh nghiệp có ba địa phương dẫn đầu là Long An, Bắc Ninh và Bình Dương
- Trụ cột Cơ sở hạ tầng Bình Dương xếp thứ ba sau Quảng Ninh và Đà Nẵng
- Trụ cột Trình độ phát triển của thị trường Bình Dương xếp thứ tư sau Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu,
- Trụ cột Trình độ phát triển của doanh nghiệp Bình Dương xếp thứ ba sau Long An và Bắc Ninh
Trong 10 địa phương dẫn đầu về Tác động, Bình Dương có thứ hạng thấp ở nhóm chỉ số về Tác động đến SX-KD nhưng có thứ hạng cao ở nhóm chỉ số về Tác động đến KT-XH.
PII 2023 cũng được xếp hạng theo 6 vùng kinh tế xã hội. Các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng có điểm trung bình cao nhất 45.17 điểm, tiếp đến là các địa phương vùng Đông Nam Bộ với 44.81 điểm. Các địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long có điểm số trung bình sát nhau, lần lượt là 36.96 điểm và 36.36 điểm. Hai vùng Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc có điểm số thấp gần như nhau, lần lượt là 32.72 điểm và 32.19 điểm. Bộ chỉ số cũng đưa ra top các địa phương dẫn đầu từng vùng và phân tích đánh giá theo nhóm thu nhập.
Việc so sánh trực tiếp giữa các địa phương chỉ mang tính tương đối, không phải là mục đích chính của bộ chỉ số, bởi mỗi địa phương có các điều kiện, đặc điểm khác nhau và có định hướng phát triển khác nhau. Bộ chỉ số PII chỉ cung cấp căn cứ khoa học và các minh chứng về điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.
Thu Hà
Phòng Quản lý Công nghệ và Đổi mới sáng tạo
Thứ trưởng Hoàng Minh, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn nút công bố kết quả PII