TRUNG TÂM SÁNG KIẾN CỘNG ĐỒNG VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH BÌNH DƯƠNG
BIIC BÌNH DƯƠNG
0274 3856429 - 3866969 (Lễ Tân) - 0274 3689090 (Fablab)
Hotline
0274 3856429 - 3866969 (Lễ Tân) - 0274 3689090 (Fablab)
Email
biic@binhduong.gov.vn

Ảnh hưởng của vốn xã hội đến khởi nghiệp bền vững: Đánh giá thực trạng thái độ và ý định của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam

Ảnh hưởng của vốn xã hội đến khởi nghiệp bền vững: Đánh giá thực trạng thái độ và ý định của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam

Nguyễn Tiến Dũng[1] và Lê Đăng Lăng[2]

Tóm tắt: Do các vấn đề toàn cầu hiện nay cùng với những tác động tiêu cực của nông nghiệp truyền thống, tinh thần khởi nghiệp bền vững trong nông nghiệp ngày càng được chú ý. Vốn xã hội là một nguồn lực chiến lược quan trọng đối với doanh nghiệp nông nghiệp và được khuyến khích sử dụng trong bối cảnh “bình thường mới”. Mặc dù có khá nhiều nghiên cứu sự ảnh hưởng của vốn xã hội đối với ý định hành vi, nhưng vai trò của loại vốn này trong việc thúc đẩy ý định khởi nghiệp nông nghiệp bền vững vẫn chưa được điều tra đầy đủ. Thông qua kỹ thuật phân tích tài liệu, bài viết này đề xuất mô hình tích hợp ảnh hưởng của vốn xã hội đến ý định khởi nghiệp nông nghiệp bền vững dựa vào lý thuyết hành vi lập kế hoạch (TPB). Cụ thể, mô hình được đề xuất trình bày sự ảnh hưởng của 03 khía cạnh của vốn xã hội (tức là cấu trúc, nhận thức và quan hệ) đến ý định khởi nghiệp nông nghiệp bền vững với vai trò trung gian của các thành phần TPB, bao gồm chuẩn mực chủ quan, thái độ hành vi và kiểm soát hành vi được nhận thức. Ngoài ra, bài viết này cũng trình bày một số trở ngại và gợi ý giải pháp để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp nông nghiệp bền vững trong cộng đồng.

Từ khóa: Khởi nghiệp bền vững; Lý thuyết hành vi lập kế hoạch; Nông nghiệp; Vốn xã hội

 

1. Giới thiệu

Nhiều vấn đề toàn cầu hiện nay như mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và nghèo đói có mối liên hệ với nhau và khiến cho sự phát triển bền vững trở nên cần thiết, đặc biệt đối với nông nghiệp (Kumar và cộng sự, 2021; Lang và cộng sự, 2022b). Tính bền vững và biến đổi khí hậu cũng có mối liên hệ chặt chẽ nhau (Gonzalez và cộng sự, 2018). Do đó, các quy định về môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng được chú ý, đặc biệt là tính bền vững của các mô hình sản xuất và tiêu dùng (Elhoushy và Lanzini, 2021). Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp thông thường có tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người (Sazvar và cộng sự, 2018). Hơn nữa, các nước đang phát triển (ví dụ: Việt Nam) phải đối mặt với tốc độ đô thị hóa nhanh, điều này làm cho các mô hình hành vi không bền vững có thể trở nên trầm trọng hơn (Elhoushy và Lanzini, 2021). Trong bối cảnh đó, theo nhiều nhà khoa học, ví dụ Squalli và Adamkiewicz (2018), canh tác hữu cơ là một định hướng phù hợp để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Cách tiếp cận này giúp cải thiện chất lượng thực phẩm và sức khỏe con người cũng như hướng tới nền nông nghiệp và chế biến thực phẩm bền vững của Liên minh Châu Âu và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Nông nghiệp hữu cơ cũng cung cấp đầu vào cho sản xuất nhiên liệu sinh học, giảm sự phụ thuộc vào dầu thông thường và đặc biệt là phát thải khí nhà kính. Do đó, chúng tôi cho rằng canh tác hữu cơ là cách tiếp cận nông nghiệp bền vững và nên được nghiên cứu thêm.

Nhiều nghiên cứu trước đây cũng đã chú ý đến tính bền vững, bao gồm các hành vi bền vững nói chung và các lĩnh vực hành vi cụ thể, như giảm phát thải khí nhà kính, tái sử dụng chất thải làm đầu vào trong các quy trình sản xuất và thay thế các đầu vào độc hại bằng các chất hữu cơ (Neto và cộng sự, 2018). Tuy nhiên, nghiên cứu về hành vi bền vững chủ yếu được thực hiện tại các nước phát triển, như các nước phương Tây; hướng nghiên cứu này gần đây mới được chú ý ở các nước đang phát triển (Elhoushy và Lanzini, 2021). Song song đó, nghiên cứu tài liệu cũng đã chỉ ra rằng nông dân được coi là chủ doanh nghiệp gia đình (Hansson và cộng sự, 2013) hay các doanh nhân quy mô nhỏ trong nông nghiệp (Lang và cộng sự, 2022a). Họ quyết định sản xuất hữu cơ dựa theo yêu cầu của thị trường. Do đó, ngoài nhu cầu của khách hàng như một lý do chính để chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững, các nhân tố tác động quan trọng khác ảnh hưởng đến sự chuyển đổi này cũng cần được khám phá thêm. Cụ thể, các nhân tố tác động đến việc hình thành thái độ và ý định canh tác hữu cơ của các doanh nhân nông nghiệp vừa và nhỏ cần được chỉ ra để làm cơ sở cho việc phát triển tinh thần khởi nghiệp nông nghiệp bền vững trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị tàn phá bởi Covid-19 (Al-Omoush và cộng sự, 2020) dẫn đến sự gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời các nguồn vốn hữu hình như vốn kinh tế (tài chính) có thể không phải là lợi thế của các hộ nông dân hay doanh nghiệp nông nghiệp (Lang, 2023), vốn xã hội đã nổi lên như một nguồn lực quan trọng, đặc biệt là đối với nông nghiệp (Lang và cộng sự, 2022a, b). Hơn nữa, vốn xã hội còn tạo ra sự chủ động trong việc ứng phó với đại dịch (Al-Omoush và cộng sự, 2020). Do đó, các tổ chức và cá nhân nên sử dụng nguồn vốn quan trọng này, được coi là một trong những nguồn lực thiết yếu theo Lý thuyết “Quan điểm dựa trên nguồn lực” (RBV) để duy trì tính cạnh tranh (Lang và cộng sự, 2022b). Thành công trong bối cảnh "bình thường mới" hậu Covid-19 cần dựa vào các nguồn vốn vô hình như vốn xã hội (Bhatti và cộng sự, 2020). Đặc biệt, vốn xã hội được coi là nguồn lực chính có ảnh hưởng đến các tổ chức kinh doanh thuộc sở hữu gia đình. Loại vốn đặc biệt này có thể giúp các doanh nhân tăng cường mạng lưới hỗ trợ trao đổi nguồn lực và đổi mới (Lang và cộng sự, 2023b). Vốn xã hội cũng làm tăng năng lực kinh doanh và lợi thế cạnh tranh và góp phần vào sự bền vững (Neto và cộng sự, 2018; Lang và cộng sự, 2022c; Lang và cộng sự, 2023a). Vốn xã hội còn tác động đến giá trị giao dịch, xây dựng danh tiếng và quyết định khởi nghiệp hay thúc đẩy sự sáng tạo của nhân viên (Bhatti và cộng sự, 2020), đổi mới và áp dụng công nghệ nhằm cải thiện sự tăng trưởng thành tích kinh doanh (Lang và cộng sự, 2023b). Những nhân tố này có thể là tiền đề của việc trao đổi, chuyển đổi và tiếp thu kiến thức để chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp bền vững và giúp phục hồi chuỗi cung ứng. Do đó, vốn xã hội đã được các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và học giả ở nhiều lĩnh vực khác nhau chú ý, đặc biệt là nông nghiệp (ví dụ: Xu và cộng sự, 2018; Lang và cộng sự, 2022b; Lang, 2023). Từ vai trò của vốn xã hội trong tài liệu, chúng tôi cho rằng một mô hình tích hợp về sự ảnh hưởng của vốn xã hội đến tinh thần khởi nghiệp nông nghiệp bền vững cần được phân tích và chỉ ra.

Mặt khác, nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp là những hoạt động kinh tế và kinh doanh quan trọng ở Việt Nam, một quốc gia đang phát triển có dân số khoảng 100 triệu người với khoảng 65,57% dân số nói chung phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, nhưng nông nghiệp chiếm chưa tới 15% tổng GDP. Trong đó, hầu hết nông dân được coi là chủ sở hữu nhỏ, doanh nhân nông nghiệp quy mô nhỏ hay chủ doanh nghiệp gia đình (Hansson và cộng sự, 2013). Hơn nữa, những tác động tiêu cực của COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến mất khách hàng cho nhiều doanh nghiệp nông nghiệp (Lang và cộng sự, 2022b). Bối cảnh này tạo ra nhu cầu tức thời về phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp theo định hướng bền vững (Kumar và cộng sự, 2021). Ngoài ra, nền kinh tế sinh học, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh là ba cách tiếp cận phát triển bền vững chủ đạo nhất và gắn kết với nhau để tạo ra sự phát triển bền vững toàn cầu (D'Amato và cộng sự, 2017). Tuy nhiên, cho đến nay, động lực phát triển nông nghiệp bền vững dựa trên nguồn vốn vô hình vẫn chưa được thảo luận rộng rãi trong tài liệu, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, trong khi nhóm đối tượng này có vai trò quan trọng trong sự phát triển của một quốc gia. Hơn nữa, cần có những phương pháp tiếp cận định lượng đáng tin cậy để giúp các nhà hoạch định chính sách lựa chọn và thực hiện các chiến lược bền vững (Gonzalez và cộng sự, 2018). Đặc biệt, đối với các nước đang phát triển với nông nghiệp là ngành chính, các doanh nhân nông nghiệp đại diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp gia đình, được coi là động lực kinh tế quan trọng và hỗ trợ phục hồi của bất kỳ cộng đồng nào (Chaudhuri và cộng sự, 2022). Do đó, điều quan trọng là phải hiểu cách họ tồn tại và phục hồi sau khủng hoảng. Tuy nhiên, những doanh nhân này thường thiếu nguồn vốn kinh tế và các mối quan hệ xã hội thiết yếu để tiếp cận thông tin, sự hỗ trợ và các nguồn lực có giá trị. Vì vậy, vốn xã hội được coi là nguồn lực chiến lược quan trọng đối với họ dưới lăng kính của RBV. Vì vậy, bối cảnh này là động lực chính cho bài viết của chúng tôi nhằm tổng hợp, phân tích và đánh giá vai trò của vốn xã hội trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp nông nghiệp bền vững thông qua canh tác hữu cơ tại Việt Nam. Cụ thể, bài viết của chúng tôi nhằm trả lời cho câu hỏi: Sự ảnh hưởng của vốn xã hội đến ý định khởi nghiệp bền vững của các doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam như thế nào?

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Khởi nghiệp, bền vững và khởi nghiệp nông nghiệp bền vững

Khởi nghiệp hay “tinh thần kinh doanh” đề cập đến các hoạt động tìm kiếm các cơ hội kinh doanh chưa được khám phá cũng như khả năng chịu đựng rủi ro (Sharma và cộng sự, 2021). Các học giả cho rằng khởi nghiệp là tạo ra “của cải xã hội” và đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh khủng hoảng bằng cách đưa ra những quan điểm mang tính xây dựng trước những hoàn cảnh đang thay đổi (Xu và cộng sự, 2021) và kích thích việc nhận ra cơ hội để thay đổi quan điểm của mọi người. Vì vậy, khởi nghiệp có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế.

Thuật ngữ "bền vững" hàm ý một quá trình chứ không phải mục tiêu cuối cùng cần đạt (Grunwald, 2016) trong khi "phát triển bền vững" đề cập đến sự phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Cụ thể, phát triển theo định hướng bền vững nhằm tránh phát sinh chất thải và tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường (Gonzalez và cộng sự, 2018). Do vậy, nhiệm vụ chính của việc nghiên cứu về tính bền vững là “phản ánh mối quan hệ lý thuyết-thực hành liên quan để đạt được hiệu quả học tập tối đa” (Grunwald, 2016, tr. 27). Chúng tôi cho rằng quan điểm về tính bền vững này phù hợp với bối cảnh chung cũng như quan điểm về “khởi nghiệp bền vững”, và vì vậy, nó được sử dụng làm khuôn khổ phát triển bền vững cho bài viết này.

Tài liệu cho thấy có ba cách tiếp cận phát triển bền vững chính ở cấp độ toàn cầu. Trong đó, kinh tế sinh học ngụ ý đầu vào công nghiệp từ tài nguyên sinh học tái tạo kết hợp nghiên cứu và đổi mới để tạo điều kiện thuận lợi cho các quá trình chuyển đổi giúp cải thiện khả năng cạnh tranh (D'Adamo và cộng sự, 2019). Kinh tế sinh học cũng liên quan đến an toàn sinh học giúp giảm rủi ro về các vấn đề môi trường trong nông nghiệp (D'Amato và cộng sự, 2017). Do đó, bài viết của chúng tôi tập trung vào kinh tế sinh học thông qua thực hành nông nghiệp hữu cơ nhằm thúc đẩy khởi nghiệp bền vững trong nông nghiệp để cải thiện chất lượng thực phẩm và sức khỏe con người và giúp giải quyết các vấn đề toàn cầu. Tóm lại, chúng tôi cho rằng khởi nghiệp nông nghiệp bền vững đề cập đến "khởi nghiệp" trong nông nghiệp hướng tới “bền vững”, tức là quá trình nhận ra, phát triển và khai thác các cơ hội sản xuất - kinh doanh nông nghiệp từ các vấn đề xã hội và môi trường. Đây là một hoạt động kinh tế với cách tiếp cận sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường, sức khỏe con người và thương mại công bằng trong nông nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững của xã hội.

Bên cạnh đó, ý định hành vi là trạng thái của tâm trí thúc đẩy các cá nhân hướng tới những mục tiêu mong muốn cụ thể. Do đó, ý định là điều kiện cần thiết như là tiền đề cho các hành vi và được coi là yếu tố chính trong việc dự đoán hành vi, bao gồm hành vi canh tác nông nghiệp bền vững (Lang và cộng sự, 2022c; Lang và cộng sự, 2023a). Chúng tôi cho rằng ý định khởi nghiệp nông nghiệp bền vững của các doanh nhân nông nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đề cập đến ý định sản xuất - kinh doanh nông nghiệp theo định hướng bền vững. Bên cạnh đó, các yếu tố tâm lý có thể ảnh hưởng đến ý định hành vi (Lang và cộng sự, 2022b). Vì vậy, bài viết này tập trung vào việc sử dụng các yếu tố tâm lý là các thành phần của Lý thuyết hành vi lập kế hoạch (TPB) để dự đoán ý định hành vi, tức là khởi nghiệp bền vững của doanh nhân nông nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Sau đó, phân tích tác động của vốn xã hội được xem là một nguồn lực chiến lược rất quan trọng dưới lăng kính của RBV đối với các yếu tố tâm lý này.

2.2. Lý thuyết hành vi lập kế hoạch

Theo một số học giả, ví dụ Zhang và Cain (2017), TPB được coi là khung lý thuyết lý tưởng để điều tra ý định kinh doanh vì các thành phần của nó được sử dụng để dự đoán chính xác ý định hành vi của một cá nhân, đặc biệt đối với lĩnh vực khởi nghiệp kinh doanh nông nghiệp và phát triển bền vững (Elhoushy và Lanzini, 2021; Lang và cộng sự, 2022c). Cụ thể, TPB giải thích cách các doanh nhân thể hiện ý định kinh doanh và thực hiện hành vi thông qua đặc điểm tính cách, ra quyết định, nhận thức và thực hiện (Zhang và cộng sự, 2021). TPB cũng giả định rằng ý định thực hiện một hành vi càng mạnh thì khả năng thực hiện hành vi đó càng cao; đồng thời, ba yếu tố quyết định của TPB là những yếu tố dự báo quan trọng về ý định hành vi. Bên cạnh đó, ý định khởi nghiệp nông nghiệp bền vững đòi hỏi phải lập kế hoạch cẩn thận. Do đó, mô hình TPB với 03 thành phần như 03 yếu tố tâm lý, tức là chuẩn mực chủ quan (áp lực xã hội từ những người xung quanh để thực hiện hành vi), thái độ hành vi và kiểm soát hành vi được nhận thức (tức khả năng thuận lợi hay khó khăn được nhận thức khi thực hiện hành vi) là khung lý thuyết lý tưởng để dự đoán ý định khởi nghiệp nông nghiệp bền vững (Lang và cộng sự, 2023a), đặc biệt khi trọng tâm nghiên cứu về khởi nghiệp là tìm hiểu hoặc làm rõ cách các doanh nhân suy nghĩ và ra quyết định (Sharma và cộng sự, 2021). Cụ thể, TPB giúp làm rõ cách các doanh nhân nông nghiệp hình thành ý định hành vi thông qua nhận thức và thái độ của họ trong bối cảnh có sự ảnh hưởng của vốn xã hội dựa trên tinh thần chính của khung lý thuyết quan trọng này (Zhang và cộng sự, 2021).

2.3. Vốn xã hội

Lý thuyết vốn xã hội giải thích mối liên hệ giữa các chuẩn mực xã hội, niềm tin, các mạng lưới và các nhóm mà cá nhân sở hữu để đạt được các mục tiêu. Nguồn vốn này hàm ý sự tương tác giữa các cá nhân hoặc giữa một cá nhân với một tổ chức, hoặc một phần kết nối mạng lưới mà tổ chức hay cá nhân tích lũy. Vốn xã hội cũng ngụ ý khả năng của một cá nhân được hưởng lợi từ các mạng lưới xã hội và tư cách thành viên. Nó được coi là một nguồn lực vô hình “được gắn vào và được tích lũy thông qua một cấu trúc xã hội cụ thể và bị chi phối bởi các chuẩn mực quan hệ về tính tự nguyện, sự có đi có lại và niềm tin xã hội" (Mathwick và cộng sự, 2008, tr. 834). Mặc dù không có một định nghĩa thống nhất về vốn xã hội, nhưng hầu hết các định nghĩa đều liên quan đến một chủ đề, đó là "các mối quan hệ xã hội của chúng ta quan trọng và mang lại lợi ích cho chúng ta" (Neves và Fonseca, 2015, tr.15) với 03 khía cạnh cốt lõi của vốn xã hội, gồm giá trị, niềm tin, và mạng lưới. Đồng thời, định nghĩa vốn xã hội do Nahapiet và Ghoshal (1998) đề xuất được xem là phổ biến nhất. Cụ thể, vốn xã hội được hiểu là “tổng các nguồn lực thực tế và tiềm năng được gắn bên trong, có sẵn thông qua và bắt nguồn từ mạng lưới các mối quan hệ được sở hữu bởi một cá nhân hoặc đơn vị xã hội” (Nahapiet và Ghoshal, 1998, tr. 243).

Vốn xã hội có 03 khía cạnh chính (cấu trúc, nhận thức và quan hệ) được coi là 03 loại vốn xã hội (Lang và cộng sự, 2022b). Trong đó, vốn xã hội cấu trúc đề cập đến cấu hình của mối liên kết giữa các nhóm, trong khi vốn xã hội quan hệ đề cập đến sự tin cậy và tính có đi có lại (Rouziès và Hulland, 2014; Lang, 2023). Vốn xã hội nhận thức đề cập đến các chuẩn mực chung được nhận thức, bao gồm sự gắn kết cộng đồng và tính công dân (Lang và cộng sự, 2022a). Ba loại vốn xã hội này là những khái niệm bậc hai (tức là có nhiều khía cạnh phụ trong mỗi loại) và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, trong đó vốn xã hội cấu trúc là tiền đề của 02 loại vốn xã hội còn lại (Lang và cộng sự, 2022b). Do vậy, một cuộc điều tra chung về sự ảnh hưởng của cả 03 loại vốn xã hội là khá phức tạp do vấn đề nội sinh.

Bên cạnh đó, mặc dù các doanh nhân nông nghiệp cần có những tương tác cần thiết để tạo các mối quan hệ bền chặt hơn thông qua chia sẻ tài nguyên và thông tin nhằm tìm kiếm, tiếp thu, trao đổi và chuyển đổi các luồng kiến thức phục vụ khởi nghiệp nông nghiệp bền vững, nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều nơi rơi vào tình trạng đóng cửa. Tình trạng này đã gây ra sự gián đoạn trong giao tiếp (liên quan thành phần vốn xã hội cấu trúc) và có thể đã thay đổi các chuẩn mực chung được nhận thức (vốn xã hội nhận thức) và niềm tin xã hội (vốn xã hội quan hệ) của các doanh nhân nông nghiệp trong bối cảnh nhu cầu thực phẩm an toàn ngày càng tăng. Do đó, một sự hiểu biết đầy đủ về vai trò của các loại vốn xã hội trong việc thúc đẩy nông nghiệp theo hướng bền vững trong bối cảnh trong hay hậu Covid-19 là cần thiết. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, theo hiểu biết tốt nhất của các tác giả, chưa có nghiên cứu nào điều tra ảnh hưởng của cả 03 loại vốn xã hội đến ý định khởi nghiệp nông nghiệp bền vững dựa trên lăng kính RBV mặc dù các tài liệu về vốn xã hội gần đây (ví dụ, Lang và cộng sự, 2022a) đã chỉ ra sự ảnh hưởng của 03 loại vốn xã hội này đến ý định đa dạng kinh doanh nông nghiệp. Do vậy, bài viết của chúng tôi góp phần cung cấp sự hiểu biết toàn diện hơn về vai trò của 03 loại vốn này trong việc thúc đẩy ý định khởi nghiệp nông nghiệp bền vững. Bài viết sẽ nêu bật vai trò của cả 03 loại vốn xã hội cũng như các yếu tố tâm lý là yếu tố nội tại cần lưu ý trong nghiên cứu về ý định hành vi.

3. Phương pháp luận – khung phân tích

Kỹ thuật phân tích tài liệu được sử dụng để đúc kết những phát hiện được công bố gần đây trên các tạp chí tin cậy, cụ thể là các tạp chí được lập chỉ mục trong các hệ thống Scopus (Hà Lan), Web of Science (ISI, Hoa Kỳ) và ABDC (Úc) về vốn xã hội và vai trò của loại vốn này đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng. Sau đó, những bài báo thực nghiệm đánh giá thái độ và ý định của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đối với vấn đề khởi nghiệp bền vững trong 03 năm gần nhất được chú trọng phân tích. Cụ thể, chúng tôi sử dụng 06 bài báo sau (Bảng 1) để phân tích sự ảnh hưởng của vốn xã hội đối với khởi nghiệp bền vững trong nông nghiệp. Chúng tôi sử dụng 06 bài báo này bởi một số lý do: thứ nhất, các bài báo này liên quan đến vốn xã hội và được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam; thứ hai, các nghiên cứu được thực hiện thông qua phương pháp nghiên cứu hỗn hợp, bao gồm phương pháp định lượng, vì vậy, kết quả nghiên cứu được cho là tin cậy để giúp các nhà hoạch định chính sách lựa chọn và thực hiện các chiến lược bền vững như gợi ý của Gonzalez và cộng sự (2018); thứ ba, các nghiên cứu bắt đầu từ phát triển thang đo tích hợp về vốn xã hội (Lang, 2023[3]) đến điều tra vai trò của 03 thành phần vốn xã hội đối với ý định đa dạng nông nghiệp (Lang và cộng sự, 2022a/b), sau đó điều tra sự ảnh hưởng của từng thành phần của vốn xã hội đối với ý định khởi nghiệp nông nghiệp bền vững (Lang và cộng sự, 2022c; Lang và cộng sự, 2023a), cuối cùng là điều tra sự ảnh hưởng của vốn xã hội đối với tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp thông qua tăng cường năng lực kinh doanh, đổi mới và áp dụng công nghệ (Lang và cộng sự, 2023b), do vậy, các nghiên cứu này đã tạo cơ sở để đúc kết vai trò của vốn xã hội trong việc thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp bền vững trong bối cảnh Việt Nam; thứ tư, các bài báo này đều được công bố gần đây trên các tạp chí quốc tế uy tín với hệ số ảnh hưởng (Impact Factor) khá cao (cao nhất là 12.8).

4. Kết quả phân tích vai trò của vốn xã hội đối với khởi nghiệp nông nghiệp bền vững, những vấn đề đặt ra với phát triển nông nghiệp bền vững và gợi ý giải pháp

4.1. Thang đo vốn xã hội dưới lăng kính doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam

Vốn xã hội không thể được đo lường trực tiếp. Việc đo lường vốn này thường phụ thuộc vào bối cảnh và quan điểm của các nhà nghiên cứu (Lang, 2023). Vì vậy, tài liệu về vốn xã hội đã chỉ ra có khá nhiều khía cạnh của vốn xã hội, như tính có đi có lại, tính tự nguyện và niềm tin xã hội (Mathwick và cộng sự, 2008), sức mạnh ràng buộc, sự tin cậy và hợp tác lẫn nhau và tầm nhìn chung (Rouziès và Hulland, 2014), sự kết nối và gắn kết (Xu và cộng sự, 2018). Trong bối cảnh đó, nghiên cứu của Lang (2023) dựa vào đánh giá thái độ của đại diện doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đã đóng góp cho tài liệu một thang đo tích hợp tin cậy về vốn xã hội. Cụ thể, thang đo này gồm 03 thành phần chính với mỗi thành phần có một số thành phần con (Hình 1).

 

Thành phần chính đầu tiên của vốn xã hội là “vốn xã hội cấu trúc”. Nó bao gồm 04 khía cạnh: “gắn kết” (được tạo ra thông qua sự tương tác giữa các thành viên của một nhóm tương đối đồng nhất, nó cũng bao gồm các nguồn lực thiết yếu cung cấp sự hỗ trợ trong trường hợp cần thiết gắn liền với các mối quan hệ chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình, bạn bè thân thiết hoặc hàng xóm); “bắc cầu” (có được thông qua sự kết nối giữa các nhóm không đồng nhất, cũng được tạo ra thông qua sự kết nối giữa những người ở các bối cảnh nghề nghiệp, dân tộc và địa lý khác nhau); “liên kết” (được tạo ra thông qua các mối quan hệ kết nối các cá nhân hoặc nhóm mà họ thuộc về với những người có quyền lực về tài chính hoặc chính trị); và “đoàn thể” (được tạo ra bởi các hiệp hội nghề nghiệp nhằm theo đuổi lợi ích đặc biệt của các thành viên). Trong đó, sự khác biệt giữa các khía cạnh “gắn kết” và “bắc cầu” hay “liên kết” và “đoàn thể” chỉ mang tính chất tương đối (Xu và cộng sự, 2018) và phụ thuộc vào ngữ cảnh. Cụ thể, với nghiên cứu của Lang (2023) trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam, các khía cạnh này đã được gộp chung vào nhau.

Thành phần chính thứ hai là “vốn xã hội nhận thức”. Nó hàm ý các mã (chuẩn mực), ý nghĩa hoặc ngôn ngữ chung (được chia sẻ) bởi các thành viên trong mạng lưới (Rouziès và Hulland, 2014). Nó có hai khía cạnh, gồm “sự gắn kết cộng đồng” (tức là mức độ gắn kết nhất định được mong đợi để đảm bảo sự phát triển) và “tính công dân” (tức là tinh thần công dân của các cá nhân giúp họ có được thông tin về các vấn đề công cộng).

Thành phần thứ ba là “vốn xã hội quan hệ”. Nó được tạo ra từ sự tương tác dựa trên niềm tin, chuẩn mực và tính có đi có lại (Rouziès và Hulland, 2014). Thành phần này gồm một số khía cạnh dựa vào sự tin cậy, chuẩn mực và trừng phạt xã hội và tính có đi có lại (Mathwick và cộng sự, 2008). Cụ thể, theo Lang (2023), loại vốn này có 05 khía cạnh[4], đó là niềm tin xã hội tổng thể, niềm tin vào các tổ chức chính trị, niềm tin vào các dịch vụ công, sự an toàn chủ quan và các chuẩn mực và trừng phạt xã hội.

Tóm lại, thang đo tích hợp này không chỉ góp phần làm phong phú thêm nguồn tài liệu về vốn xã hội mà còn giúp cho việc đánh giá sự tác động của vốn xã hội đến các vấn đề khác, bao gồm ý định khởi nghiệp nông nghiệp bền vững được đầy đủ và chặt chẽ. Hơn nữa, thang đo tích hợp này giúp cho các nhà hoạch định chính sách xã hội cũng như những người thực hành có cơ sở vững chắc để hoạch định các chương trình thúc đẩy tăng cường vốn xã hội cho tổ chức và cá nhân được hiệu quả.

4.2. Quan hệ giữa vốn xã hội và ý định đa dạng nông nghiệp

Đại dịch Covid-19 đã tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới (Al-Omoush và cộng sự, 2020). Cuộc khủng hoảng này làm cho nhiều tổ chức phải giảm quy mô hoạt động (Lang và cộng sự, 2022b). Ngành nông nghiệp của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cụ thể là nhiều doanh nghiệp nông nghiệp bị mất khách hàng và gặp khủng hoảng tài chính (Lang và cộng sự, 2022a). Vì vậy, việc phát triển các giải pháp thay thế để đa dạng hóa thu nhập là cấp thiết. Hơn nữa, các tài liệu cũng chỉ ra rằng đa dạng hóa trang trại là chiến lược thay thế quan trọng mà nông dân có thể áp dụng để tồn tại và thành công (Hansson và cộng sự, 2013). Trong bối cảnh đó, Lang và cộng sự (2022a) đã điều tra vai trò của vốn xã hội (thông qua các khía cạnh con của 03 thành phần chính) đối với ý định đa dạng nông nghiệp của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ (tức là các hộ gia đình làm nông nghiệp cũng là các thành viên của các hợp tác xã nông nghiệp) (Hình 2).

Cụ thể, nghiên cứu này đã cung cấp một bức tranh tổng thể về sự ảnh hưởng của các khía cạnh của 03 loại vốn xã hội đến ý định đa dạng nông nghiệp với mục tiêu hành vi và các thành phần TPB như các biến trung gian. Kết quả đã chỉ ra rằng các khía cạnh cụ thể của 03 thành phần vốn xã hội đều có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến ý định đa dạng nông nghiệp, ngoại trừ khía cạnh “sự gắn kết cộng đồng”. Những phát hiện của Lang và cộng sự (2022a) được cho là có đóng góp ý nghĩa vào tài liệu về lý thuyết vốn xã hội và TPB. Hơn nữa, công trình này cũng đã củng cố cho phát biểu của một số học giả về vai trò ý nghĩa của vốn xã hội trong phát triển kinh doanh và đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng (Al-Omoush và cộng sự, 2020) và đối với nông nghiệp (Lang và cộng sự, 2022c; Lang và cộng sự, 2023a).

 

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời vốn xã hội nổi lên như một nguồn lực quan trọng đối với nông nghiệp (Lang và cộng sự, 2022c), việc đánh giá vai trò của nguồn vốn đặc biệt này đối với ý định đang dạng nông nghiệp dưới lăng kính chuỗi cung ứng cũng rất cần thiết. Sự hiểu biết sâu sắc này có thể giúp cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng nông nghiệp cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp vượt qua khó khăn trong khủng hoảng. Hơn nữa, một sự đánh giá ảnh hưởng trực tiếp của 03 thành phần vốn xã hội sẽ cung cấp một góc nhìn khác cũng như góp phần làm phong phú thêm nguồn tài liệu vốn xã hội. Xuất phát từ bối cảnh học thuật này cũng như yêu cầu thực tiễn, nghiên cứu của Lang và cộng sự (2022b) đã đánh giá sự ảnh hưởng trực tiếp của 03 thành phần vốn xã hội này đối với ý định đa dạng nông nghiệp dưới lăng kính lý thuyết chuỗi cung ứng dựa vào đánh giá thái độ và ý định hành vi của đại diện doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam (Hình 3).

 

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng 03 thành phần vốn xã hội có vai trò quan trọng trong thúc đẩy ý định đa dạng nông nghiệp dưới lăng kính chuỗi cung ứng. Hơn nữa, nghiên cứu cũng đánh giá mối quan hệ nhân quả giữa 03 thành phần vốn xã hội với kết quả là vốn xã hội cấu trúc ảnh hưởng trực tiếp (tăng cường) 02 loại vốn xã hội còn lại. Mặt khác, nghiên cứu này cũng có chú ý trong phần giới hạn khi cho rằng tính nội sinh (hay đa cộng tuyến) chưa được giải quyết và có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu, và vì vậy, “cần thực hiện một nghiên cứu sâu hơn nhằm điều tra bản chất của mối quan hệ giữa các khía cạnh này với các nhóm người trả lời khác nhau” (Lang và cộng sự, 2022b).

4.3. Đề xuất mô hình ảnh hưởng của vốn xã hội đối với khởi nghiệp bền vững dựa vào đánh giá thái độ và ý định của doanh nhân nông nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam

Từ thực trạng các vấn đề toàn cầu cũng như theo đề xuất của nhiều học giả (ví dụ: Squalli và Adamkiewicz, 2018; Kumar và cộng sự, 2021), phát triển nông nghiệp bền vững rất cần thiết. Đây là một xu hướng cần được cân nhắc. Cách tiếp cận hay định hướng chiến lược nông nghiệp này không chỉ giúp các thành viên trong chuỗi cung ứng (nông nghiệp/ thực phẩm) vượt qua khủng hoảng, phát triển ổn định mà còn góp phần giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội hiện nay. Hơn nữa, như đã được thảo luận, vốn xã hội là một nguồn lực rất quan trọng trong nông nghiệp. Loại vốn này được đặc biệt khuyến khích khai thác và sử dụng trong bối cảnh "bình thường mới" hậu Covid-19 (Bhatti và cộng sự, 2020). Đặc biệt, vốn xã hội giúp tăng cường đổi mới và áp dụng công nghệ để từ đó giúp tăng trưởng thành tích kinh doanh (Lang và cộng sự, 2023a). Trong bối cảnh yêu cầu của thực tiễn và nhu cầu cần bổ sung sự hiểu biết cho tài liệu, nghiên cứu của Lang và cộng sự (2022c) đã phần nào chỉ ra vai trò của vốn xã hội trong thúc đẩy nông nghiệp bền vững để góp phần lấp đầy khoảng trống trong tài liệu và cung cấp cơ sở phát triển giải pháp liên quan. Cụ thể, Lang và cộng sự (2022c) đã đánh giá vai trò của vốn xã hội nhận thức và vốn xã hội quan hệ trong việc thúc đẩy ý định khởi nghiệp nông nghiệp bền vững dựa vào đánh giá thái độ và ý định của đại diện doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, tức là các hộ gia đình hay các thành viên hợp tác xã nông nghiệp (Hình 4). Kết quả cho thấy 02 loại vốn này có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy ý định khởi nghiệp nông nghiệp bền vững.

Thêm vào đó, Lang và cộng sự (2023a) cũng đã tiến hành nghiên cứu sự ảnh hưởng của thành phần còn lại của vốn xã hội - tức là vốn xã hội cấu trúc đến ý định khởi nghiệp nông nghiệp bền vững dưới lăng kính khởi nghiệp xã hội (Hình 5).

 

Chúng tôi cho rằng công trình của Lang và cộng sự (2022c) và Lang và cộng sự (2023a) đã trả lời từng phần cho câu hỏi nghiên cứu của chúng tôi. Tuy nhiên, một mô hình tích hợp sự ảnh hưởng của vốn xã hội là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh vốn xã hội có thể giúp tăng cường sự đổi mới và áp dụng công nghệ (Lang và cộng sự, 2023a). Dựa vào phân tích tài liệu vốn xã hội và TPB, đặc biệt là mô hình thang đo vốn xã hội (Hình 1), tác động của 03 thành phần vốn xã hội đến ý định đa dạng nông nghiệp tại Việt Nam (Hình 2 và 3) cũng như sự ảnh hưởng của vốn xã hội nhận thức và vốn xã hội quan hệ (Hình 4) và ảnh hưởng của 02 khía cạnh của vốn xã hội cấu trúc đến ý định khởi nghiệp nông nghiệp bền vững thông qua các yếu tố tâm lý như các thành phần TPB (Hình 5), chúng tôi cho rằng cả 03 thành phần vốn xã hội đều có vai trò quan trọng trong sự thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp bền vững tại Việt Nam. Do đó, chúng tôi đề xuất mô hình tích hợp sự ảnh hưởng của vốn xã hội đến ý định khởi nghiệp bền vững trong nông nghiệp tại Việt Nam như sau (Hình 6).

 

Mặt khác, tài liệu học thuật cũng đã chỉ ra một số yếu tố tâm lý được bổ sung vào mô hình TPB để cải thiện khả năng dự đoán. Chúng tôi cho rằng ý định khởi nghiệp nông nghiệp bền vững cần có mục tiêu rõ ràng cũng như phụ thuộc rất lớn vào các điều kiện tạo thuận lợi (hay cản trở) việc thực hiện nông nghiệp bền vững. Vì vậy, các biến mục tiêu hành vi hay các điều kiện tạo thuận lợi cũng có thể được cân nhắc bổ sung vào mô hình đề xuất của chúng tôi như cách làm của một số tác giả khác, ví dụ, Lang và cộng sự (2023a) để cải thiện khả năng dự đoán ý định khởi nghiệp nông nghiệp bền vững của mô hình TPB.

4.4. Vấn đề đặt ra với phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam và gợi ý giải pháp

Bền vững được hiểu là một quá trình (Grunwald, 2016) trong khi "phát triển bền vững" là sự phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Đồng thời, kinh tế sinh học liên quan đến an toàn sinh học là một trong ba cách tiếp cận chính để phát triển bền vững giúp giảm rủi ro về các vấn đề môi trường trong nông nghiệp (D'Amato và cộng sự, 2017) thông qua thực hành nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, trong khi các nước đang phát triển (ví dụ: Việt Nam) phải đối mặt với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và các mô hình hành vi sản xuất và tiêu dùng không bền vững có thể ngày càng trầm trọng hơn (Elhoushy và Lanzini, 2021), nông nghiệp truyền thống cũng thường phổ biến ở nhóm các nước này. Do vậy, việc chuyển đổi sang phát triển nông nghiệp bền vững (thông qua thực hành nông nghiệp hữu cơ) cần phải có sự phối hợp và nỗ lực rất lớn của các bên liên quan, bao gồm các cơ quan nhà nước, chuyên gia, các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, các tổ chức giáo dục, các tổ chức truyền thông, các doanh nghiệp nông nghiệp dẫn đầu và các hộ nông dân hay thành viên hợp tác xã nông nghiệp. Cụ thể, một số trở ngại và gợi ý giải pháp để thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp bền vững ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất, “nông nghiệp” hay “làm nông” thường được đánh đồng với nhau trong nhận thức của người dân Việt Nam và được xem là một công việc (thay vì là một nghề) ít vốn, thậm chí là “ít trí tuệ”. Song song đó, người làm nông nghiệp thường chỉ chú ý đến “cánh đồng” và “sản xuất” thay vì quan tâm khâu “bán hàng” (kinh doanh), tình hình thị trường và cạnh tranh. Do vậy, việc thúc đẩy chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống (thuận tiện) sang nông nghiệp hữu cơ sẽ rất thách thức với các nhà hoạch định chính sách xã hội cũng như bản thân “người” làm nông nghiệp. Giải pháp được gợi ý cho vấn đề này bao gồm: một, Nhà nước có chủ trương, chính sách xem “nông nghiệp” là một nghề như bao nghề khác, thậm chí bao gồm cả vấn đề bảo hiểm cho người làm nông nghiệp, đồng thời xem hộ gia đình làm nông nghiệp hay các thành viên hợp tác xã nông nghiệp là những chủ thể sản xuất – kinh doanh nông nghiệp siêu nhỏ, tức là các doanh nghiệp nông nghiệp siêu nhỏ hay hộ gia đình kinh doanh; hai, xây dựng chương trình đào tạo tinh thần khởi nghiệp cùng những kiến thức về kinh doanh và quản lý (cấp quốc gia) nhắm vào đối tượng là các “doanh nhân” tại các doanh nghiệp nông nghiệp siêu nhỏ này nhằm kích thích việc nhận ra cơ hội để thay đổi quan điểm của nhóm đối tượng này hướng đến khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp nông nghiệp bền vững.

Thứ hai, “nông dân” thường “ít vốn” (bản thân họ cũng thường nghĩ như vậy) cũng như có phần hạn chế kiến thức về công nghệ, thị trường, kinh doanh và quản lý. Do đó, nhóm đối tượng này thường e ngại khi được đề cập đến vấn đề chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp bền vững. Giải pháp được gợi ý cho vấn đề này bao gồm: một, Nhà nước có chương trình (quốc gia) phát triển vốn xã hội cho nhóm đối tượng này, bao gồm các khóa đào tạo về vốn xã hội và tổ chức các hội, nhóm hay câu lạc bộ về nông nghiệp bền vững để gia tăng vốn xã hội cho nhóm đối tượng này cũng như kết nối với các chuyên gia để cải thiện “các điều kiện tạo thuận lợi” cho phát triển nông nghiệp bền vững; hai, chương trình (quốc gia) về khởi nghiệp nông nghiệp bền vững cũng nên được cân nhắc nhằm tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy xây dựng cộng đồng nông nghiệp bền vững.

Thứ ba, có sự chưa rõ ràng về mặt truyền thông giữa nông sản và các sản phẩm từ nông sản là kết quả của nông nghiệp truyền thống và nông nghiệp bền vững (cố tình hay vô tình). Điều này gây trở ngại cho việc tiêu thụ sản phẩm từ nông nghiệp bền vững. Giải pháp được gợi ý cho vấn đề này bao gồm: một, Nhà nước ban hành khung pháp lý, chính sách hỗ trợ và chương trình phát triển nông nghiệp bền vững với xếp hạng nông sản và các sản phẩm từ nông sản là kết quả của nông nghiệp bền vững rõ ràng (có thể tham khảo cách xếp hạng 05 nhóm từ 1 đến 5 sao của chương trình OCOP); hai, Nhà nước cân nhắc quy hoạch những vùng sản xuất nông nghiệp bền vững theo nhiều cấp độ “bền vững”; ba, Nhà nước có chủ trương để các tổ chức truyền thông đại chúng chính quy ưu tiên tuyên truyền các thương hiệu sản phẩm từ nông nghiệp bền vững.

5. Kết luận

Phát triển nông nghiệp bền vững cần được chú trọng trong bối cảnh các vấn đề toàn cầu hiện nay. Vốn xã hội cũng được khuyến khích khai thác và sử dụng trong bối cảnh “bình thường mới” hậu Covid-19, đặc biệt đối với các đối tượng không có lợi thế về vốn kinh tế như các doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ hay các hộ kinh tế gia đình, bao gồm các hộ làm nông nghiệp hay các thành viên hợp tác xã nông nghiệp. Nghiên cứu của chúng tôi sử dụng kỹ thuật phân tích tài liệu để đề xuất mô hình tích hợp ảnh hưởng của vốn xã hội đối với ý định khởi nghiệp nông nghiệp bền vững thông qua các biến trung gian là các thành phần TPB để làm phong phú thêm nguồn tài liệu về vốn xã hội và TPB. Mặc dù mô hình đề xuất của chúng tôi được phát triển dựa vào các phát hiện từ các bài báo đã được công bố, chúng tôi cũng cho rằng việc kiểm định lại mô hình này với dữ liệu được khảo sát là cần thiết, đặc biệt với các nhóm đối tượng khác nhau nhằm nhận diện mức độ ảnh hưởng của các thành phần vốn xã hội để cung cấp sự hiểu biết sâu sắc hơn cho tài liệu học thuật.

Tài liệu tham khảo

Al-Omoush, K. S., Simón-Moya, V. and Sendra-García, J. (2020). The impact of social capital and collaborative knowledge creation on e-business proactiveness and organizational agility in responding to the COVID-19 crisis. Journal of Innovation and Knowledge, 5(4), 279-288.

Barba-Sánchez, V. and Atienza-Sahuquillo, C. (2018). Entrepreneurial intention among engineering students: The role of entrepreneurship education. European Research on Management and Business Economics, 24(1), 53-61.

Bhatti, S.H., Vorobyev, D., Zakariya, R. and Christofi, M. (2020). Social capital, knowledge sharing, work meaningfulness and creativity: Evidence from the Pakistani pharmaceutical industry. Journal of Intellectual Capital, 27(1), 25-42.

Chaudhuri, R., Chatterjee, S., Kraus, S. and Vrontis, D. (2022). Assessing the AI-CRM technology capability for sustaining family businesses in times of crisis: The moderating role of strategic intent. Journal of Family Business Management, 13(1), 46-67.

D’Adamo, I., Falcone, P.M. and Ferella, F. (2019). A socio-economic analysis of biomethane in the transport sector: the case of Italy. Waste Management, 95, 102-115.

D’Amato, D., Droste, N., Allen, B., Kettunen, M., Lähtinen, K., Korhonen, J., Leskinen, P., Matthies, B.D. and Toppinen, A. (2017). Green, circular, bio economy: A comparative analysis of sustainability avenues. Journal of Cleaner Production, 168, 716-734.

Elhoushy, S. and Lanzini, P. (2021). Factors Affecting Sustainable Consumer Behavior in the MENA Region: A Systematic Review. Journal of International Consumer Marketing, 33(3), 256-279.

Gonzalez, E.D.R.S., Zhu, J., Zanoni, S. and Maculan, N. (2018). Trends in operational research approaches for sustainability. European Journal of Operational Research, 269(1), 1-4.

Grunwald, A. (2016). What kind of theory do we need for sustainable development and how much of it? Some thoughts. Enders, J. and Remig, M (Ed). Theories of Sustainable Development, 1st edition, 1629.

Hansson, H., Ferguson, R., Olofsson, C. and Rantamäki-Lahtinen, L. (2013). Farmers’ motives for diversifying their farm business: The influence of family. Journal of Rural Studies, 32, 240-250.

Kumar, S., Raut, R.D., Nayal, K., Kraus, S., Yadav, V.S. and Narkhede, B.E. (2021). To identify industry 4.0 and circular economy adoption barriers in the agriculture supply chain by using ISM-ANP. Journal of Cleaner Production, 293, 126023.

Lang, L.D. (2023). Social capital in e-commerce era: toward a deeper knowledge of its conceptualization and empirical measurement in agribusiness. South Asian Journal of Business Studies, 12(3), 409-426.

Lang, L.D., Behl, A., Dong, N.T., Temouri, Y. and Thu, N.H. (2022a). Effect of social capital on agribusiness diversification intention in the emerging market. Journal of Intellectual Capital, 23(1),56-84

Lang, L.D., Behl, A., Dong, N.T., Thu, N.H. and Dewani, P.P. (2022b). Social capital in agribusiness: an exploratory investigation from a supply chain perspective during the COVID-19 crisis. The International Journal of Logistics Management, 33(4), 1437-1473.

Lang, L.D., Behl, A., Phuong, N.N.D., Gaur, J. and Dzung, N.T. (2023b). Toward SME digital transformation in the supply chain context: the role of structural social and human capital. International Journal of Physical Distribution & Logistics Management, 53(4), 448-466.

Lang, L.D., Dong, N.T., Ferreira, J.J.M., Behl, A. and Dao, L.T. (2022c). Sustainable agribusiness entrepreneurship during the Covid-19 crisis: the role of social capital. Management Decision, 60(9), 2593-2614.

Lang, L.D., Tiwari, A.K., Hieu, H.N., Ha, N.M., and Gaur, J. (2023a). The role of structural social capital in driving social-oriented sustainable agricultural entrepreneurship. Energy Economics, 124.

Nahapiet, J. and Ghoshal, S. (1998). Social Capital, Intellectual Capital, and the Organizational Advantage. The Academy of Management Review, 23(2), 242-266.

Neto, G. C. O., Pinto, L. F. R, Amorim, M. P. C, Giannetti, B. F. and Almeida, C. M. V. B. (2018). A framework of actions for strong sustainability. Journal of Cleaner Production, 196(2), 1629–1643.

Neves, B. B. and Fonseca, J. R. (2015). Latent Class Models in action: Bridging social capital and Internet usage. Social Science Research, 50, 15-30.

Rouziès, D. and Hulland, J. (2014). Does marketing and sales integration always pay off? Evidence from a social capital perspective. Journal of the Academy of Marketing Science, 42, 511-527.

Sazvar, Z., Rahmani, M. and Govindan, K. (2018). A sustainable supply chain for organic, conventional agro-food products: The role of demand substitution, climate change and public health. Journal of Cleaner Production, 194(1), 564–583.

Sharma, G.D., Paul, J., Srivastava, M., Yadav, A., Mendy, J, Sarker, T. and Bansal, S. (2021). Neuroentrepreneurship: An integrative review and research agenda. Entrepreneurship & Regional Development, 33(9-10), 863-893.

Smith, J.R., Terry, D.J., Manstead, A.S., Louis, W.R., Kotterman, D. and Wolfs, J. (2007). Interaction effects in the theory of planned behaviour: the interplay of self-identity and past behaviour. Journal of Applied Social Psychology, 37(11), 2726–2750.

Squalli, J. and Adamkiewicz, G. (2018). Organic farming and greenhouse gas emissions: a longitudinal U.S. state-level study. Journal of Cleaner Production, 192, 30-42.

Xu, Y., Liang, Q. and Huang, Z. (2018). Benefits and pitfalls of social capital for farmer cooperatives: Evidence from China. International Food and Agribusiness Management Review, 21(8), 11371152.

Xu, Z., Wang, X., Wang, X. and Skare, M. (2021). A comprehensive bibliometric analysis of entrepreneurship and crisis literature published from 1984 to 2020. Journal of Business Research, 135, 304–318.

Zhang, P. and Cain, K.W. (2017). Reassessing the link between risk aversion and entrepreneurial intention: The mediating role of the determinants of planned behavior. International Journal of Entrepreneurial Behaviour & Research, 23(5), 793–811.

Zhang, S.X., Foo, M.-D. and Vassolo, R.S. (2021). The Ramifications of Effectuation on Biases in Entrepreneurship – Evidence from a Mixed-method Approach. Journal of Business Venturing Insights, 15, e00238.


[1]Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Email: ntdung@uel.edu.vn

[2] Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh. Email: lang.ld@ou.edu.vn

[3] Bài báo này được công bố online vào năm 2021.

[4] Loại vốn này có thêm thành phần “niềm tin dựa trên kiến thức” và “sự có đi có lại”, tuy nhiên, theo nghiên cứu của Lang (2023) thì 02 thành phần không là các thành phần của vốn xã hội quan hệ dựa vào kết quả phân tích dữ liệu.

 

Nguồn: Nguyễn Tiến Dũng và Lê Đăng Lăng (2023). Ảnh hưởng của vốn xã hội đến khởi nghiệp bền vững: Đánh giá thực trạng thái độ và ý định của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia "Thực trạng phát triển kinh tế tư nhân của người Việt Nam và những vấn đề đặt ra". NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.

TIN TỨC LIÊN QUAN

ĐĂNG KÝ NHẬN HỖ TRỢ

Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Email
Nội dung

Bạn đã gửi thông tin đăng ký hỗ trợ thành công. Chúng tôi sẽ tiếp nhận thông tin và phản hồi lại ngay khi nhận được yêu cầu của bạn.

dfgfgdfgdf