TRUNG TÂM SÁNG KIẾN CỘNG ĐỒNG VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH BÌNH DƯƠNG
BIIC BÌNH DƯƠNG
0274 3856429 - 3866969 (Lễ Tân) - 0274 3689090 (Fablab)
Hotline
0274 3856429 - 3866969 (Lễ Tân) - 0274 3689090 (Fablab)
Email
biic@binhduong.gov.vn

Tài sản trí tuệ trong khởi nghiệp sáng tạo

Tài sản trí tuệ trong khởi nghiệp sáng tạo

Tài sản trí tuệ là một loại tài sản thuộc nhóm tài sản vô hình. Trong nhiều trường hợp, tài sản trí tuệ có giá trị lớn hơn nhiều so với tổng tài sản hữu hình, càng sử dụng nhiều  thì càng hiệu quả, càng mang lại lợi nhuận cao và  tăng trưởng nhanh, chiếm tỉ lệ ngày càng lớn trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp.  

Tài sản trí tuệ được hiểu gồm ba nhóm chính: Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả (nhóm thứ nhất); quyền sở hữu công nghiệp (nhóm thứ hai); quyền đối với giống cây trồng (Nhóm thứ ba), cụ thể như sau:

Nhóm 1: Là các đối tượng sở hữu trí tuệ mà quyền sở hữu được xác lập không cần đăng ký như: Tên thương mại, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu nổi tiếng

Nhóm 2: Là các đối tượng sở hữu trí tuệ mà quyền sở hữu được xác lập thông qua đăng ký như: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, quyền tác giả, phần mềm, thiết kế bo mạch, giống cây trồng và vật nhân giống.

Nhóm 3: Là các đối tượng thuộc các nguồn vốn trí tuệ khác như: Đội ngũ nhân viên, mối quan hệ kinh doanh, danh mục khách hàng, tên miền.

Quyền sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng trong việc định hình và cụ thể hóa các tri thức, sáng tạo của cá nhân hay tổ chức (Spruson, D. & Ferguson, N., 2007). Quyền sở hữu trí tuệ là yếu tố nền tảng cho việc phát triển sản phẩm và dịch vụ, khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa các kết quả hoạt động sáng tạo của doanh nghiệp. Từ cấp độ quốc gia hay doanh nghiệp thì quyền sở hữu trí tuệ là phần không thể tách rời của chiến lược đổi mới. Thành công trong chiến lược đổi mới phụ thuộc vào việc sử dụng một cách linh hoạt các cơ chế thị trường và việc khai thác các quyền sở hữu trí tuệ. Quản trị quyền sở hữu trí tuệ phụ thuộc các yếu tố riêng của công ty như quy mô (năng lực hay chiến lược đổi mới), các nhân tố tri thức (tri thức ngầm hoặc được hệ thống hóa), các nhân tố công nghệ (đổi mới dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình), các nhân tố ngành (các giai đoạn vòng đời và cơ chế thiết lập quyền…) và môi trường pháp lý của quốc gia (đối tượng bảo hộ theo các cơ chế pháp luật khác nhau) (WIPO, 2014).

Khởi nghiệp sáng tạo và Quyền sở hữu trí tuệ:

Tổ chức, cá nhân sáng tạo ra loại tài sản trí tuệ thì có quyền đối với tài sản đó. Quyền đối với tài sản - sở hữu trí tuệ bao gồm quyền nhân thân (những quyền gắn với cá nhân người sáng tạo như đặt tên tác phẩm, công bố ra công chúng, đứng tên tác phẩm…) và quyền tài sản (những quyền liên quan đến giá trị kinh tế như góp vốn, chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng, mua bán…).

Đối với giới khởi nghiệp và doanh nghiệp nói chung, sở hữu trí tuệ thường áp dụng nhiều cho nhóm thứ nhất và nhóm thứ hai. Nhóm thứ nhất bao gồm gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học” (quyền tác giả); “cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá”(quyền liên quan đến quyền tác giả). Nhóm thứ hai gồm “sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý”.

Việc bảo vệ các tài sản sở hữu trí tuệ ngay từ giai đoạn khởi nghiệp sáng tạo không chỉ tạo hành trang bảo vệ mình trước các hành vi gian lận mà còn là một khoản đầu tư lâu dài giúp Startup tạo lập được các giá trị không ngừng phát triển trong tương lai khi mà hầu hết nguồn lợi nhuận thu về từ các giá trị nguồn vốn hữu hình sẽ thay bị thay thế bởi giá trị của danh tiếng, chất lượng, uy tín của sản phẩm, dịch vụ cung cấp.

Đặc điểm của tài sản trí tuệ trong khởi nghiệp sáng tạo :

Đặc trưng của tài sản trí tuệ là tính vô hình, tính lãnh thổ địa lý, tính sinh lợi và tính quốc tế. Những đặc trưng này đặt ra nhiều thách thức về quản trị cho lãnh đạo doanh nghiệp (doanh nghiệp). Vì vậy, doanh nghiệp cần có một chiến lược tổng thể và dài hạn.

Tính vô hình: Tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình, không thể xác định bằng các đặc điểm vật chất của chính nó nhưng lại có giá trị lớn và có khả năng sinh ra lợi nhuận. Nó là thước đo hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh và khả năng phát triển của doanh nghiệp trước mắt và sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình nhưng có giá trị lớn đối với doanh nghiệp.

Theo ông Stephan Hundertmark, Viện Quản lý sở hữu trí tuệ Steinbeis (Đại học Steinbeis - Đức), ở nhiều nước phát triển, tài sản vô hình không chỉ bao gồm tài sản trí tuệ như sáng chế, nhãn hiệu, quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp, mà còn bao gồm cả vốn trí tuệ như nguồn nhân lực, các phương thức kinh doanh, các mối quan hệ trong kinh doanh và uy sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình nhưng có giá trị lớn đối với doanh nghiệp. Giống như việc định giá tài sản hữu hình, việc định giá tài sản sở hữu trí tuệ dựa trên các phương pháp chủ yếu như: so sánh, chi phí, thu nhập và thặng dư. Tuy nhiên, việc định giá tài sản trí tuệ khó khăn và có nhiều khác biệt hơn so với tài sản hữu hình.

Tính lãnh thổ địa lý: Chỉ dẫn địa lý là những từ, tên gọi, dấu hiệu, biểu tượng, hình ảnh được sử dụng để chỉ ra rằng sản phẩm có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của loại hàng hoá này có được chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên.

Tên gọi xuất xứ hàng hoá là tên địa lý của nước, địa phương dùng để chỉ xuất xứ của mặt hàng từ nước, địa phương đó với điều kiện những mặt hàng này có các tính chất, chất lượng đặc thù dựa trên các điều kiện địa lý độc đáo và ưu việt, bao gồm yếu tố tự nhiên, con người hoặc kết hợp cả hai yếu tố đó.

Tóm lại, chỉ dẫn địa lý không chỉ là tên gọi mà còn là những từ, dấu hiệu, biểu
tượng, hình ảnh trong khi đó tên gọi xuất xứ chỉ là tên địa lý. Chỉ dẫn địa lý (không bao gồm tên gọi xuất xứ hàng hoá) được bảo hộ mà không cần phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tên gọi xuất xứ hàng hoá chỉ được bảo hộ thông qua việc đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Giấy chứng nhận đăng ký tên gọi xuất xứ hàng hoá có hiệu lực vô thời hạn.

Tên địa lý nước ngoài chỉ được chấp nhận bảo hộ tại Việt Nam nếu đang được bảo hộ tại nước mang tên hoặc có địa phương mang tên đó.

Tính sinh lợi: Cùng với sự phát triển của nền sản xuất hàng hoá, sở hữu trí tuệ trong khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển của chủ thể kinh doanh, được coi là biểu tượng uy tín thương mại khi phát triển thị trường. Do đó, xác lập quyền và bảo vệ các tài sản trí tuệ không chỉ giúp doanh nghiệp chống lại những hành vi gian lận của các chủ thể khác, mà còn giúp tạo lập giá trị lớn khi hầu hết nguồn lợi nhuận doanh nghiệp có được là nhờ giá trị của danh tiếng, uy tín của sản phẩm, dịch vụ cung cấp nhiều hơn so với giá trị nguồn vốn hữu hình. Theo thời gian, trước những năm 70 của thế kỷ 20, giá trị tài sản hữu hình chiếm tới trên 70% giá trị của doanh nghiệp và giá trị tài sản trí tuệ chiếm tỷ lệ chưa đến 30%. Hiện nay, giá trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp đã tăng đáng kể, chiếm hơn 70% giá trị tài sản của doanh nghiệp, thậm chí nhiều doanh nghiệp tỷ lệ này còn trên 90% như Microsft, Disney, Apple.

Chính vì vậy, các tranh chấp về sở hữu trí tuệ trong Startup không ngừng gia tăng, không chỉ trong giới khởi nghiệp mà cả trong các doanh nghiệp lâu năm bởi tầm quan trọng và lợi nhuận thu được từ các đối tượng sở hữu trí tuệ. Do vậy, song hành với tầm nhìn dài hạn về mô hình kinh doanh, doanh nghiệp cần phải có biện pháp hữu hiệu bảo vệ các tài sản sở hữu trí tuệ xuyên suốt quá trình phát triển của doanh nghiệp.

Tính quốc tế: Làn sóng khởi nghiệp hiện đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các khởi nghiệp gia không ngừng sáng tạo để cho ra đời các sản phẩm và dịch vụ có khả năng thu hút vốn đầu tư, tiếp cận thị trường… Sự sáng tạo chính là then chốt của quyền sở hữu trí tuệ (sở hữu trí tuệ). Ông Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã đưa ra các thông tin và dữ liệu gây kinh ngạc về việc đã rất nhiều tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp có tên tuổi của Việt Nam, đặc biệt là các nhãn hiệu như bánh kẹo Bibica, bánh kẹo Kinh Đô, bia Sabeco, bia Huda, cà phê Highland, Phở 24, dầu gội X-MEN, nước giải khát Tribeco, dịch vụ siêu thị Citimart, dịch vụ mua bán hàng kim khí điện máy Nguyễn Kim... đã bị chuyển nhượng hoàn toàn quyền sở hữu qua các công ty nước ngoài. Ông Cẩn đã đưa ra nhiều phân tích chi tiết như 81% bên mua lại các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam có quốc tịch từ châu Á và châu Âu, 25% yếu tố thúc đẩy hành vi mua là các quyền sở hữu trí tuệ đã được xác lập, các tác động của quá trình chuyển nhượng tài sản trí tuệ đối với bên bán (doanh nghiệp Việt Nam) và bên mua (doanh nghiệp nước ngoài), các xu hướng chuyển dịch tài sản trí tuệ trong giai đoạn sắp tới và một số khuyến nghị đối với các doanh nghiệp Việt Nam..., đặc biệt là cần có hiểu biết và kỹ năng thực hành về quản trị tài sản trí tuệ.

Có thể nói, thế giới đang bước vào một giai đoạn phát triển như vũ bão dựa trên nền tảng công nghệ và mang tính đột phá. Trong cuộc cách mạng công nghiệp của Việt Nam, một số ngành đã bắt kịp cách mạng công nghiệp lần thứ 3 và đã có một vài yếu tố của cách mạng công nghiệp 4.0. Cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là cuộc cách mạng tiến hành bởi toàn dân nhưng ảnh hưởng đến mọi người dân bởi chiến lược và chính sách quốc gia, sự thay đổi do khoa học và công nghệ quyết định cùng với cộng đồng doanh nghiệp mạnh, đặc biệt khởi nghiệp sáng tạo phát triển trên nền tảng công nghệ và sở hữu trí tuệ, được những cá nhân, nhóm người “nắm” được những công nghệ tiên tiến, khoa học dữ liệu… kết nối thế giới trong không gian số, công nghệ sinh học và khoa học vật liệu…  

Điều đó cho thấy nhu cầu khai thác và sử dụng tài sản trí tuệ của VN là hiện thực, có xu hướng gia tăng và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Và sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… góp phần làm cho hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ của Việt Nam dưới hình thức mua bán doanh nghiệp đang ngày sôi động.

Việc gia nhập vào các điều ước quốc tế về tự do hóa thương mại trong 2 thập kỷ gần đây, nhất là hiệp định Trips hay Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Hiệp định thương mại tự do EVFTA, … đã đặt cho chúng ta sức ép lớn trong việc cải tổ hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ để vừa đáp ứng được những đòi hỏi cao của quá trình hội nhập và chú trọng cân bằng lợi ích xã hội và đảm bảo quyền kinh doanh tài sản trí tuệ được phép của doanh nghiệp mà không bị cản trở.

Với những nước đang phát triển như Việt Nam thì việc chấp nhận các tiêu chuẩn cao của quốc tế về sở hữu trí tuệ trước mắt có thể tạo ra những khó khăn nhưng nếu vượt qua được những thách thức đó chúng ta sẽ thu được lợi ích rất to lớn.

Các yếu tố của tài sản trí tuệ tác động đến khởi nghiệp sáng tạo :

Julie Davis và Suzanne Harrison (2001) chia ra 5 cấp độ tác động của quản trị quyền sở hữu trí tuệ lên doanh nghiệp. Các cấp độ này, được minh họa trong hình dưới đây là một cách phù hợp để đánh giá, quản trị những giá trị mà sở hữu trí tuệ mang lại cho doanh nghiệp.

 

Hình 1.2 Các yếu tố của tài sản trí tuệ tác động đến khởi nghiệp sáng tạo.
(Nguồn: Julie Davis và Suzanne Harrison, Edison in the Boardroom: How Leading
Companies Realize Value from Their Intellectual Assets, 2001)

Các tác động giá trị của tài sản trí tuệ của doanh nghiệp mang lại được đặt theo thứ tự từ thấp nhất (nằm ở đáy của hình) đến cao nhất (nằm ở đỉnh).

Bảo vệ: Quản trị sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp khởi nghiệp giúp bảo vệ các thành quả sáng tạo, bảo đảm rằng tài sản trí tuệ của họ không bị xâm phạm, không bị sử dụng, khai thác trái phép cũng như bảo đảm rằng họ không xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể khác. Đối với khởi nghiệp sáng tạo, chi phí cho việc xác lập, thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thường khá cao. Tuy nhiên, trong thời đại của nền kinh tế tri thức toàn cầu, ý tưởng có thể được xem như một mỏ vàng bất tận, nhưng khởi nghiệp sáng tạo cùng với ý tưởng của mình có thể nhanh chóng bị sao chép ý tưởng bởi những cá nhân, tổ chức có nguồn vốn và sức mạnh thị trường hơn. Do đó, bảo bệ tài sản trí tuệ thông qua việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ của mình là một nhiệm vụ sống còn của khởi nghiệp sáng tạo.

Kiểm soát chi phí: quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là công cụ tốt nhất để tạo ra, bảo hộ, duy trì và khai thác tài sản trí tuệ của doanh nghiệp một cách bền vững, lâu dài và hiệu quả nhất, giảm thiểu các rủi ro qua đó giảm chi phí cho khởi nghiệp sáng tạo. Khấu hao và thay thế sở hữu trí tuệ bằng những nguồn vốn tiền bạc thực sự. Tức là, trên cơ sở pháp luật khấu trừ hao mòn được tính vào giá thành sản phẩm và không bị đánh thuế lợi nhuận. Quyền sở hữu được khẳng định chính thức và đưa vào bảng cân đối với tư cách là tài sản (vốn cơ bản) của doanh nghiệp. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho tính toán khấu hao và hình thành nguồn vốn khấu hao tương ứng trên cơ sở tính toán giá thành sản phẩm (tạo ra nguồn vốn lưu thông riêng với mất mát ít nhất cho thuế).

Khai thác lợi nhuận: Khởi nghiệp sáng tạo ở cấp độ này hướng tới các hoạt động chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ và các hình thức khác nhằm khai thác tài sản trí tuệ, hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tác gỉa và người nắm quyền sở hữu trí tuệ được tham gia với tư cách là người sáng lập, hoặc đồng sáng lập những công ty con và các công ty độc lập mà không bị quên đi các phần đóng góp vật chất trước đó. Đồng thời, sở hữu trí tuệ cho phép nhận thêm thu nhập khi nhượng quyền, đồng thời còn có cả quyền điều tiết khi định giá sản phẩm của doanh nghiệp phụ thuộc vào quyền sở hữu trí tuệ đã được chuyển giao.

Liên kết hoạt động: Ở cấp độ này, tất cả mọi hoạt động của khởi nghiệp sáng tạo đều được gắn với sở hữu trí tuệ. Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng như một công cụ nhằm liên kết các khâu trong toàn bộ quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Như giá trị của những nghiên cứu khoa học của công ty, hay các nghiên cứu phát triển sản phẩm, sáng kiến sáng tạo của doanh nghiệp được sử dụng trong toàn bộ các quy trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Công cụ chiến lược: Đây là cấp độ cao nhất của hoạt động quản trị tài sản trí tuệ. Ở cấp độ này, doanh nghiệp khởi nghiệp đã có một tầm nhìn và chiến lược hoạt động dài hạn, xác định rõ vai trò, vị trí của doanh nghiệp trên thị trường và trong lĩnh vực hoạt động. Họ có thể sử dụng tài sản trí tuệ như một công cụ hiệu quả nhằm tạo ra các giá trị mang tính chiến lược. Sử dụng quyền sở hữu trí tuệ cho phép doanh nghiệp và tác giả (người nắm quyền đầu tiên) nhận được nhiều lợi thế, trong các hoạt động thương mại.

Tóm lại có thể kết luận rằng, tài sản trí tuệ là loại tài sản để có được phải đầu tư tốn kém, nhưng đồng thời cũng là loại tài sản quan trọng nhất, quyết định nhất, có giá trị nhất đối với doanh nghiệp, là động lực để xây dựng lợi thế cạnh tranh tạo khác biệt hóa và phát triển bền vững.

Tài liệu tham khảo:

[1] Luật Sở Hữu Trí Tuệ Việt Nam 2005, 2009.

[2] Luận văn thạc sĩ luật học, góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong pháp luật Việt Nam, Tạ Thị Thanh Thủy, Hà Nội – 2012.

[3] VCCI, Báo cáo chỉ số khởi nghiệp toàn cầu GEM, 2018.

[4] Julie Davis và Suzanne Harrison, “Edison in the Boardroom: How Leading Companies Realize Value from Their Intellectual Assets”, 2001.

[5] Global Intellectual Property Center, The roots of Innovation, 2017.

[6] Spruson, D. & Ferguson, N., Intellectual property management: A practical guide for electrical and Electronics related industries, Australian Government Initiative, 2007. 

[7] WIPO, IP Management online Course, Module I Intellectual Property Management: Introduction and Overview, 2014.

 

Hoàng Ngọc

TIN TỨC LIÊN QUAN

ĐĂNG KÝ NHẬN HỖ TRỢ

Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Email
Nội dung

Bạn đã gửi thông tin đăng ký hỗ trợ thành công. Chúng tôi sẽ tiếp nhận thông tin và phản hồi lại ngay khi nhận được yêu cầu của bạn.

dfgfgdfgdf